Những cách làm hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở
Công tác hòa giải tại cơ sở góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Nhiều năm qua, các tổ hòa giải tại một số địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, chú trọng trau dồi kỹ năng hòa giải và nâng cao hiểu biết pháp luật cho các hòa giải viên thông qua nhiều cách làm hiệu quả.
Hơn 2 năm qua, tình hình ANTT tại xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) luôn được đảm bảo. Tổ hòa giải của 6 thôn đã nỗ lực hòa giải thành 100% vụ việc. Mỗi khi tiếp nhận một vụ việc, các hòa giải viên sẽ có sự tìm tòi riêng, tra cứu các kiến thức pháp luật có liên quan, nắm bắt tâm tư của người trong cuộc. Sau đó, các thành viên của tổ hòa giải sẽ bàn bạc, thống nhất cách hòa giải.
Theo chị Lê Tuyết Hà, thành viên Tổ hòa giải thôn Trường Cửu, đây là cách làm đảm bảo tính khách quan và hiệu quả cao. Trước đây, có tình trạng các hòa giải viên chưa thống nhất, cho rằng chỉ có cách giải quyết của mình là đúng. Từ khi có các cuộc họp bàn, các hòa giải viên có cơ hội học hỏi nhau về kỹ năng giải quyết vấn đề, giảm bớt “cái tôi” để cùng nhau tìm hướng hòa giải tốt nhất cho một vụ việc.
Tổ hòa giải thôn Trường Cửu (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) bàn bạc, tìm hướng giải quyết cho một vụ việc trước khi tiến hành hòa giải. Ảnh: ĐVCC
Đơn cử, đầu năm 2022, có trường hợp 2 gia đình cãi nhau xuất phát từ ghen tuông, dẫn đến xô xát. Đây là vụ việc khó, khá nhạy cảm, liên quan đến vấn đề giới tính. Một số hòa giải viên là nữ lại có cách nhìn nhận khác với hòa giải viên nam, không thống nhất trong nội bộ, khiến vụ việc phải rất lâu mới được giải quyết. Trong thời gian chờ hòa giải, những người trong cuộc không nhường nhịn nhau, bị xử phạt hành chính do gây rối trật tự công cộng.
Trong khi đó, để góp phần làm sáng tỏ các vụ việc, các tổ hòa giải tại xã Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ) đã phối hợp chặt chẽ với Chi hội Luật gia xã Mỹ Cát. Hiện nay, xã có 4 tổ hòa giải với 28 hòa giải viên, trong đó có 10 hòa giải viên là thành viên Chi hội Luật gia. Bằng kinh nghiệm, hiểu biết pháp luật, họ đã làm tốt vai trò “cầu nối”, tuyên truyền kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên khác và người dân. Trong 5 năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra vụ án dân sự nào và không có vụ việc khiếu nại vượt cấp. Tổ hòa giải tại xã đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân mỗi khi gặp vướng mắc, khó khăn. Sau khi được hóa giải mâu thuẫn, người dân lại chung sống chan hòa, thấu hiểu nhau hơn.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Chánh Hội (xã Mỹ Cát) cho biết, các thành viên Chi hội Luật gia đã góp phần giúp cho các cuộc hòa giải đảm bảo cơ sở pháp lý. Thông qua học hỏi lẫn nhau, các thành viên tổ hòa giải có thêm kiến thức pháp luật để kịp thời giải đáp thắc mắc của người dân. Một trong những vụ việc phức tạp nhất mà họ phải giải quyết là vụ tranh chấp 19 cây vàng giữa hai cha con ông B. Đây là vụ việc rắc rối liên quan đến những kiến thức pháp luật phức tạp. Sau khi được hòa giải viên thuộc Chi hội Luật gia tư vấn các kiến thức pháp luật về sở hữu tài sản, quy định về thừa kế…, Tổ hòa giải thôn đã giúp cha con ông B. hóa giải được sự việc, chung sống êm ấm dưới một mái nhà.
Một điển hình khác, mô hình “Hòa giải 15 - 30” ở phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn) ra mắt cuối tháng 3.2024 cũng nhận được sự ủng hộ của người dân. Vào các ngày 15 và 30 hằng tháng, tại Nhà văn hóa khu phố Trường An 1, Ban điều hành mô hình này sẽ tiến hành tiếp nhận, giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn. Dưới sự hướng dẫn về chuyên môn của CA phường Hoài Thanh, công tác này đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lý Minh Phát (ở khu phố Trường An 1) cho biết: “Ngoài việc tiếp nhận, giải quyết các mâu thuẫn, khi có những thắc mắc xảy ra trong đời sống, chúng tôi cũng tìm đến đây để được thông tin cụ thể. Khi nghe đến mô hình này, nhiều người đã tìm đến để được hỗ trợ”.
XUÂN QUỲNH