Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Ðịnh đạt nhiều kết quả quan trọng
Ðó là kết quả nổi bật được nêu ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức ngày 23.4.
Nhiều thành quả nổi bật
Theo thông tin tại Hội nghị, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (gọi tắt NQ 33), đã ghi nhận nhiều thành quả về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn trao bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33. Ảnh: H.T
Công tác xây dựng môi trường văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là xây dựng văn hóa trong gia đình, cộng đồng dân cư, trong hệ thống chính trị với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và thành thị trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở VH&TT Tạ Xuân Chánh cho biết: Trong 10 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, quyết định, dự án, đề án trên các lĩnh vực di sản văn hóa, văn hóa cơ sở, dịch vụ văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, đời sống văn hóa, văn hóa dân tộc, gia đình và thể thao. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động VH&TT trên địa bàn tỉnh.
Thị ủy Hoài Nhơn là 1 trong 15 tập thể được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện NQ 33. Chia sẻ kinh nghiệm, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương cho biết: Thời gian qua, thị xã đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hoài Nhơn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng thành chương trình, đề án cụ thể, sát thực tiễn. Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, xác định rõ những chiến lược và giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực cụ thể.
Bên cạnh đó, thị xã đã quan tâm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; động viên văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn sinh động của quê hương, đất nước và cuộc sống, lao động của nhân dân để sáng tác.
Nhà thơ Mai Thìn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cho hay: Từ năm 2014 đến nay, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức 70 chuyến thâm nhập thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh cho 965 lượt hội viên. Hằng năm, Hội hỗ trợ và tổ chức cho các chi hội, hội viên tham gia liên hoan, triển lãm, hội thi, hội diễn của khu vực và toàn quốc. Từ năm 2014 - 2023, có 168 tác phẩm văn học, nghệ thuật được xuất bản, phổ biến...
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn đánh giá cao những kết quả quan trọng, nổi bật qua 10 năm thực hiện NQ 33. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện NQ 33 trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn cần phải khắc phục.
Đồng chí Lê Kim Toàn đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, MTTQ và hội, đoàn thể các cấp trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc NQ 33, gắn với thực hiện ý kiến kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021 và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chiến lược, đề án, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo đồng chí Lê Kim Toàn, cần phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; rà soát, đề xuất tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp thực tiễn, tạo môi trường thuận lợi trong phát triển văn hóa, con người trên địa bàn. Chú trọng các chính sách đặc thù về văn hóa, nhất là trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Coi trọng việc xây dựng các chuẩn mực văn hóa ứng xử trong các quan hệ xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các sinh hoạt văn hóa khác. Đề cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các hội, đoàn thể và người dân trong tổ chức hoạt động văn hóa. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
Cần phải tiếp tục bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng. Thực hiện chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu trong việc trao truyền, phổ biến giá trị di sản văn hóa. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, cán bộ làm công tác tham mưu trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ...
“Với những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin tưởng rằng việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Định trong thời gian tới sẽ có bước chuyển biến mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh, xây dựng quê hương Bình Định thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, văn minh”, đồng chí Lê Kim Toàn bày tỏ.
HOÀI THU