Phát triển kinh tế số phải thực chất, hiệu quả
(BĐ) - Sáng 24.4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS), chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS; các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, DN lớn về công nghệ thông tin.
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu trụ sở UBND tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI
Tại điểm cầu UBND tỉnh có đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, CĐS và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh và đại diện các DN bưu chính, viễn thông…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã báo cáo kết quả CĐS đến tháng 4 năm 2024 với nhiều thành tựu nổi bật. Cụ thể, tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt 16,5%, trong đó tỷ trọng kinh tế số lõi ICT chiếm hơn 60%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực ước đạt 6,58%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt khoảng 8,6%; tỷ lệ DN sử dụng hợp đồng điện tử trong lĩnh vực điện lực đạt 100%... DN công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt khoảng 138,5 tỷ USD, giảm 4,46% so với năm 2022; số lượng DN công nghệ thông tin đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 DN.
Ngành Nông nghiệp trong thời gian qua đã đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế số nông nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực như thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm nghiệp, thủy sản, hợp tác xã, tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị kinh tế sản phẩm nông nghiệp. Các DN viễn thông đẩy mạnh cung cấp thí điểm dịch vụ Mobile Money, tính đến quý I năm nay, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 8,2 triệu khách hàng (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023)…
Tại Bình Định, thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai các nhiệm vụ ở cả 3 trụ cột về xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, kinh tế số trong quý I năm 2024, đạt nhiều kết quả nổi bật, như: Toàn tỉnh có 204 DN công nghệ số, chủ yếu là DN cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin.
Tỉnh đã thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, đến nay, tại khu đã thu hút 2 DN, là Công ty TMA Bình Định và Công ty Fsoft Quy Nhơn, với hơn 1.300 nhân sự đang làm việc. Chính phủ đã kết nạp Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông trực thuộc Sở TT&TT tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo Quyết định số 260/QĐ-TTg ngày 18.3.2023 của Thủ tướng Chính phủ. 100% DN, tổ chức thuộc trường hợp áp dụng hóa đơn thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử…
Với tinh thần tích cực, nghiêm túc, các đại biểu dự phiên họp đã phát biểu các tham luận về tình hình, kết quả CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, cũng như các đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về CĐS; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, DN. Đồng thời, khẳng định CĐS đã đến “từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, do đó, các bộ, ngành, địa phương, DN… phải tiếp tục thúc đẩy CĐS trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và DN.
Về quan điểm phát triển kinh tế số, Thủ tướng nêu rõ, phải bám sát tình hình thực tế, quán triệt, hiện thực hoá, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy CĐS gia nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng thực chất, hiệu quả. Phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Đồng thời, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư để bắt cùng, tiến kịp và vượt lên so với khu vực, thế giới. Đồng thời, đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ CĐS quốc gia, chú trọng “3 tăng cường và 5 đẩy mạnh”.
Thủ tướng cũng tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng DN, kinh tế số của đất nước sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh và bền vững, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
TRỌNG LỢI