Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn:
Chỗ dựa pháp lý cho người lao động
Người lao động bị chủ sử dụng lao động nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định; không cho hưởng trợ cấp thôi việc… đều có thể nhờ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (LĐLĐ tỉnh) tư vấn để giải quyết hoặc khởi kiện ra tòa đòi lại quyền lợi của mình.
Giúp người lao động đòi quyền lợi
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (trú tại 69/42 Ngô Mây, Quy Nhơn) đã gửi đơn cho LĐLĐ tỉnh khiếu nại việc chị bị Trường CĐ Y tế Bình Định chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật. Theo đơn trình bày của chị Thủy, tháng 10.2007 chị được Trường nhận vào làm nhân viên thư viện không qua giai đoạn thử việc. Từ năm 2009 đến 2011, chị liên tục được ký HĐLĐ loại thời hạn 12 tháng. Nhưng đến ngày 20.12.2012, chẳng hiểu vì lý do gì, Trường lại buộc chị Thủy ký lại HĐLĐ chỉ có thời hạn 6 tháng, để rồi đến ngày 18.6.2014, viện lý do đã hết hạn HĐLĐ, Trường buộc chị Thủy nghỉ việc trong lúc chị đang mang thai.
Cũng theo chị Thủy, trong thời gian công tác tại đây, chị đều hoàn thành nhiệm vụ, không hề vi phạm kỷ luật hay bị xử lý về bất kỳ vấn đề nào. Cho rằng mình bị Trường chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, chị nhờ đến LĐLĐ tỉnh bảo vệ quyền lợi. Đơn của chị đã được chuyển cho Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn. “Chúng tôi đang thụ lý vụ việc này, trước mắt sẽ phối hợp với chủ sử dụng lao động để tìm hiểu giải quyết”, ông Võ Duy Huân, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, cho biết.
Trên đây chỉ là một trong số những vụ việc mà Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tiếp nhận để giúp người lao động (NLĐ) đòi lại quyền lợi của mình. Từ năm 2008 đến tháng 7.2014, Trung tâm tư vấn được 304 vụ việc cho 333 người trên tất cả các lĩnh vực pháp luật, với tổng giá trị số tiền tranh chấp trên 1,187 tỉ đồng; qua đó, kịp thời hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho NLĐ. Số vụ tư vấn năm sau cao hơn năm trước.
Giám đốc Trung tâm Võ Duy Huân cho biết, tranh chấp lao động thường gặp nhất là chủ sử dụng lao động nợ lương, chiếm dụng tiền đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, buộc thôi việc trái quy định pháp luật… Trong những tháng đầu năm 2014, do khó khăn về kinh tế, doanh nghiệp thua lỗ, nên các tranh chấp lao động chủ yếu vào các vấn đề như tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHXH.
Người lao động chưa có ý thức tự bảo vệ
Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Ban Tuyên giáo và Nữ công LĐLĐ tỉnh cùng các cấp công đoàn tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động cho hơn 5.500 công nhân lao động tại 17 doanh nghiệp thuộc các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước và TP Quy Nhơn; phát 6.200 tờ rơi tuyên truyền pháp luật về lao động, công đoàn, BHYT, BHXH… Tuy nhiên, phần đông NLĐ vẫn chưa có ý thức tìm hiểu, tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật cần thiết.
Theo ông Huân thì từ ngày thành lập Trung tâm đến nay, chỉ duy nhất một người chủ động đến tìm hiểu về Luật Lao động, còn lại NLĐ chỉ đến khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Trong khi đó, chủ sử dụng lao động, dù biết các việc mình làm là trái quy định pháp luật, vẫn cố tình lách luật, không thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với NLĐ, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của NLĐ. Nhưng khi xảy ra khiếu kiện, tranh chấp với NLĐ, hầu hết đều bao biện theo kiểu “không biết quy định là như thế”. “Vì vậy, để giải quyết tốt mối quan hệ giữa hai bên, NLĐ cũng cần phải nghiên cứu, tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của mình để tự bảo vệ khi cần thiết. Nhưng tiếc là vẫn còn nhiều NLĐ chưa tự ý thức được điều này”, ông Huân nói.
Ông Huân đơn cử thêm: “Trong một buổi tư vấn cho khoảng 500 công nhân nhưng chỉ có 3 người đặt câu hỏi, còn lại hầu như rất ít quan tâm, còn muốn về sớm để lo nấu cơm, con cái. Khi xảy ra việc, họ mới đến Trung tâm nhờ tư vấn. Tiếc là một số trường hợp khi đến đây nhờ tư vấn thì đã quá thời hiệu khởi kiện chủ sử dụng lao động vì sự việc xảy ra đã quá 12 tháng”.
THU HÀ