Sửa đổi Luật kinh doanh bất động sản:
Không nên quy định mức vốn pháp định tối thiểu
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bất động sản, vừa được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức.
Kinh doanh bất động sản là ngành nghề kinh doanh đòi hỏi chủ đầu tư phải có năng lực tài chính, khả năng quản lý, tạo lập phát triển thị trường lành mạnh, bền vững, do đó cần phải quy định mức vốn pháp định đối với ngành nghề này. Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật kinh doanh bất động sản quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và có vốn pháp định do Chính phủ quy định nhưng không được thấp hơn 20 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân dù kinh doanh bất động sản nhưng tổng giá trị mặt bằng, nhà xưởng cho thuê chỉ chừng vài trăm triệu đồng. Như vậy, việc quy định mức vốn pháp định tối thiểu cụ thể như trong luật sẽ vô tình hạn chế phạm vi kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp. Ông Lê Kim Chinh, Phó phòng phụ trách Phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp, cho rằng: “Không nên quy định cụ thể mức vốn pháp định như trong Luật, mà chỉ cần quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản đúng quy định pháp luật, đúng mục đích. Bởi trên thực tế, vốn pháp định chỉ mang tính hình thức, nhiều doanh nghiệp sẽ vay vốn ký quỹ ngân hàng, điều này sẽ không khó trong quá trình tiến hành các thủ tục thành lập doanh nghiệp”.
Ngoài ra, về quy định phải có ngân hàng bảo lãnh trước khi bán nhà hình thành trong tương lai, nhiều ý kiến cho rằng quy định này sẽ khó khả thi trong thực tế vì ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro nếu dự án không thực hiện được. Mà nếu ngân hàng không nhận bảo lãnh cho các dự án thì phía thực hiện dự án cũng khó tiến hành. Về vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh cho rằng: Việc để một tổ chức tín dụng, hoặc ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho công trình xây dựng hình thành trong tương lai sẽ rất rủi ro cho ngân hàng. Chính vì vậy, ngân hàng đề nghị doanh nghiệp, tổ chức mua bảo hiểm cho công trình, như vậy ngân hàng sẽ tránh được rủi ro và công trình trong tương lai cũng sẽ tránh nguy cơ bị “treo”.
Mặt khác, quy định “Trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà, công trình xây dựng theo thỏa thuận trong hợp đồng và bên mua, bên thuê có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước, tiền lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại theo hợp đồng đã ký kết với khách hàng, hoặc thuê doanh nghiệp xây dựng tiếp tục đầu tư xây dựng” là chưa phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng, vì các ngân hàng thương mại không có chức năng thuê doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, các ý kiến khác cũng đồng tình với việc cần phải làm rõ việc kiểm soát chất lượng đối với nhà, công trình xây dựng đã qua sử dụng nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người mua công trình đó.
K.ANH