Chuyển đổi số ở xã nông thôn mới kiểu mẫu
Sau khi được Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới tỉnh công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2022, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đồng thời chọn lĩnh vực chuyển đổi số là tiêu chí nổi trội để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đầu tư hạ tầng đồng bộ
Để hạ tầng chuyển đổi số (CĐS) phát triển đồng bộ, đạt mục tiêu đề ra, xã Phước Quang đầu tư lắp đặt wifi miễn phí ở nhiều điểm (tốc độ 250 Mbps). Đến nay, có 11/11 nhà văn hóa thôn và các điểm công cộng, trong đó có công viên xã, công viên An Hòa, chợ Văn Quang… được lắp đặt wifi, đồng thời xã còn xây dựng và lắp đặt 1 bản tin điện tử công cộng tại công viên thôn An Hòa. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân thường xuyên tiếp cận thông tin, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước dễ dàng, mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh đó, xã phối hợp với đơn vị VNPT tuyên truyền, vận động bà con lắp đặt đường truyền internet, với gần 2.700 hộ đã lắp đặt đường truyền internet cáp quang băng rộng.
Đáng chú ý, xã chọn thôn An Hòa để xây dựng mô hình thôn thông minh. Ông Trần Ngọc Cát - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn An Hòa, cho hay: Đến nay, toàn thôn có 140/142 hộ có ít nhất một điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, máy tính; 9/9 hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất (buôn bán, may mặc, cơ khí…) sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt các ứng dụng Zalo, Facebook… để quảng bá, bán sản phẩm. Tại nhà văn hóa - khu thể thao thôn còn bố trí phòng trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương. Một số sản phẩm thủ công truyền thống đặc sắc và các sản phẩm OCOP của người dân địa phương được quảng bá trên sàn thương mại điện tử.
Người dân ở xã Phước Quang dần quen với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng hóa. Ảnh: TRỌNG LỢI
Theo ông Đoàn Văn Điệp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Quang, An Hòa là điển hình trong xây dựng mô hình thôn thông minh của xã. Những cách làm của cán bộ và người dân nơi đây đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện tiêu chí CĐS trong xây dựng xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu.
Chung tay chuyển đổi số
Giờ đây, về Phước Quang, người dân dễ dàng truy cập internet dù ở bất cứ đâu. Anh Nguyễn Thanh Nhi, ở phường Nhơn Thành (TX An Nhơn) hồ hởi: “Tôi đã đi đến nhiều địa phương trong tỉnh, song chắc chắn rằng, ở Phước Quang là nơi có nhiều điểm truy cập wifi miễn phí nhất. Người dùng điện thoại thông minh dễ dàng kết nối wifi và truy cập để theo dõi các tin tức, thông tin mà mình quan tâm”.
Trong lộ trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu về CĐS, chính quyền xã Phước Quang còn chủ động phối hợp với các DN viễn thông trong tỉnh xây dựng chợ Văn Quang thanh toán không dùng tiền mặt. Theo thống kê của xã, đến nay có 70/80 tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán trong chợ đăng ký. Ngoài ra, ở thôn Văn Quang còn “hình thành” tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt, với 27/27 hộ kinh doanh, buôn bán tham gia. Ông Nguyễn Trọng Thuyết - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Văn Quang chia sẻ: “Cơ bản các nơi có hoạt động mua bán, kinh doanh như chợ, cửa hàng tạp hóa... người dân đều có thể chuyển khoản thanh toán, rất tiện lợi”.
Trong bức tranh xây dựng NTM kiểu mẫu về CĐS của Phước Quang còn có nhiều điểm nhấn khác, đơn cử như 100% cán bộ ở 11 thôn đều sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng thành thạo các ứng dụng nền tảng số; 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính và được Sở TT&TT bồi dưỡng, tập huấn kiến thức kỹ năng số và an toàn số. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức xã, ngoài việc sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến, văn phòng điện tử, trang thông tin điện tử, thư điện tử công vụ, còn sử dụng nhiều phần mềm khác phục vụ giải quyết công việc.
Đặc biệt, Phước Quang luôn nằm trong nhóm các địa phương có tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến ở mức cao. Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt gần 68% (1.296/1.914 hồ sơ). Thành quả này là động lực để xã tiếp tục duy trì, phát triển các tiêu chí NTM kiểu mẫu, đưa xã trở thành một vùng quê đáng sống.
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, nhận định, CĐS trong xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ mới, có nhiều lợi ích, song cũng được đánh giá là nhiệm vụ khó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. Hơn nữa, Phước Quang là xã đầu tiên của tỉnh triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu, nên không tránh khỏi những lúng túng. Tuy vậy, nhờ sự đồng thuận cao trong tập thể lãnh đạo và nhân dân khi thực hiện tốt trách nhiệm “xây dựng NTM là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân; trong đó người dân là chủ thể và người được hưởng lợi, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn của Nhà nước”; cuối cùng địa phương đã hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra.
TRỌNG LỢI