Nên đầu tư nhiều hơn cho việc quảng bá, giới thiệu sách
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa lớn với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Nhiều hoạt động tổ chức hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách; đồng thời, góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Chủ đề của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay cũng nhấn mạnh thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”. Thông điệp này gợi ra vấn đề, để một cuốn sách hay đến với độc giả, ngoài nội dung và hình thức của chính tác phẩm, thì khâu quảng bá, giới thiệu sách cũng giữ vai trò hết sức quan trọng.
Dù thỉnh thoảng vẫn có những đầu sách thú vị mà giới xuất bản hay quảng bá “dành cho nhóm bạn đọc từ 7 đến 77 tuổi” nhưng nhìn chung ngay từ khi bắt tay vào sáng tạo, tác giả đã định hướng tác phẩm phục vụ nhóm bạn đọc chủ yếu. Kế đó đơn vị xuất bản và người giới thiệu sách cũng làm thao tác tương tự. Với nhu cầu khác nhau, độ tuổi khác nhau, độc giả sẽ có cách tiếp cận sách khác nhau. Một cuốn sách đối với người này có thể là hay, nhưng với người khác chưa chắc đã thu hút, nếu việc giới thiệu sách không được chú trọng để “nói đúng, nói trúng” vấn đề họ quan tâm. Ở thời đại công nghệ số, việc tận dụng nhiều nền tảng, không gian, môi trường cùng một lúc để quảng bá cho sách, khơi dòng cho sách đến với đối tượng phù hợp là điều ngày càng phổ biến. Chính điều này khiến ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam mau chóng lan tỏa trong cộng đồng.
ÐOAN NGỌC