Văn hóa đọc và sự tỏa lan từ các tủ sách
Người xưa nói: “Thư trung tự hữu nhan như ngọc, thư trung tự hữu hoàng kim ốc” (tạm dịch: Trong sách tự chứa người đẹp như ngọc/ Trong sách tự có vinh hoa phú quý) mang hàm ý đọc sách không giàu có, nhưng mang lại cho người đọc nhiều cơ hội; qua đó, đề cao giá trị sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Cùng với hệ thống thư viện, các tủ sách của cá nhân, do các cơ quan xây dựng cũng góp phần lan tỏa văn hóa đọc.
Giảng viên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Xuân Toàn giới thiệu tủ sách của mình. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Trong quá trình học tập và làm việc, Th.S Trần Xuân Toàn (Trường ĐH Quy Nhơn) gắn bó và nhân lên tình yêu với sách. Ông dành thời gian tìm mua những cuốn sách hay, bổ ích để bổ sung làm phong phú thêm tủ sách gia đình. Đến nay tủ sách của ông có hơn 4.000 đầu sách với nhiều thể loại phục vụ cho chuyên môn, công tác nghiên cứu ở mảng văn học dân gian Việt Nam, văn hóa Việt Nam, lịch sử, địa chí, du lịch, dân tộc học… Ngoài ra, còn có các loại sách được ông sưu tầm theo sở thích trên các lĩnh vực khác, như sách khoa học, y học, từ điển các loại, sách thiếu nhi…
Th.S Trần Xuân Toàn chia sẻ: “Kho sách của tôi còn lưu giữ rất nhiều sách thiếu nhi thuở thiếu thời tôi mua và giữ lại làm kỷ niệm. Đến sau này, tôi vẫn hay mua sách thiếu nhi cho các con đọc, nhen tình yêu sách cho con. Tôi tự lập thư mục liệt kê các loại sách trong tủ sách của mình theo thông tin tác giả, tên tác phẩm, nhà xuất bản, năm xuất bản… để dễ đối chiếu và tra cứu khi cần tìm đọc”.
Ghé thăm nhà riêng của TS Võ Minh Hải (Trường ĐH Quy Nhơn) nhiều người không khỏi thán phục trước sự bài trí chỉn chu, ngăn nắp các tủ sách với hơn 7.000 đầu sách chuyên về các thể loại nghiên cứu Hán Nôm, văn hóa, văn học, lịch sử Việt Nam và Trung Quốc; đặc biệt, có nhiều bộ cổ sử Việt Nam và Trung Quốc bằng nguyên tác chữ Hán và chữ Quốc ngữ được ông đầu tư, công phu sưu tầm. Trong số này, có nhiều bộ sách hiếm xuất bản thập niên đầu thế kỷ XX, như: Phong trào tân văn hóa, Khởi nghĩa Hai Bà Trưng (ấn bản năm 1942) của tác giả Nguyễn Tế Mỹ; tuồng hát bội Kim thạch kỳ duyên (ấn bản năm 1917, bản chữ Nôm - Pháp ngữ- Việt ngữ); những bộ sách sử liên quan đến triều Nguyễn viết bằng chữ Hán, như: Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ…
TS Võ Minh Hải chia sẻ: Tôi mê đọc sách từ nhỏ, đến thời sinh viên được các thầy tiếp thêm niềm đam mê đọc và sưu tầm sách. Tủ sách của tôi chủ yếu phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu Hán Nôm; các nhà nghiên cứu cũng tìm đến giao lưu, tham khảo tư liệu, chia sẻ kinh nghiệm trong nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Tôi cũng thường xuyên cập nhật các đầu sách hay, mới xuất bản, tái bản... để bổ sung vào tủ sách và tiếp cận tri thức. Từ kho sách của mình đã giúp tôi có nhiều tư liệu sử dụng để nghiên cứu và xuất bản nhiều ấn phẩm, như: Văn tế Hán Nôm Bình Định, Ngôn ngữ Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa, Văn học Hán - Nôm Nam Trung bộ: Đặc điểm và diện mạo (chủ biên) và đang dịch thuật, biên khảo để tiếp tục cho ra mắt những tác phẩm nghiên cứu Hán Nôm khác…
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh bố trí phòng đọc sách để phục vụ công chúng. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Tháng 4.2024, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh được Hội VHNT tỉnh chuyển tặng hơn 1.500 đầu sách nghiên cứu văn hóa dân gian, ngoài ra còn có một số tổ chức, cá nhân khác chuyển tặng cho Trung tâm hơn 2.000 đầu sách, nâng số lượng sách tại Trung tâm lên hơn 5.000 đầu sách với nội dung thuộc nhiều lĩnh vực (văn học, văn hóa, lịch sử, chính trị, kinh tế…) để phục vụ bạn đọc.
Ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, cho biết: “Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Trung tâm mở cửa phục vụ công chúng đến đọc sách, tham quan tìm hiểu thêm tư liệu, hiện vật lưu trữ tại đây để hiểu thêm về văn hóa, lịch sử Bình Định. Từ đầu tháng 4 đến nay, Trung tâm đón rất nhiều sinh viên đến đọc sách. Chúng tôi cũng mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức để bổ sung thêm các thể loại sách báo, truyện thiếu nhi… vào tủ sách của Trung tâm nhằm hướng đến phục vụ bạn đọc ở mọi lứa tuổi, nhất là thiếu nhi, học sinh, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng”.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN