Nỗ lực vươn lên của trẻ mồ côi
Sau những biến cố mất đi cha mẹ và người thân, những đứa trẻ mồ côi phải tập làm quen với cuộc sống một mình, tự quyết định tương lai và mạnh mẽ trước những sóng gió cuộc đời. Nghịch cảnh ấy không phải là rào cản, mà là động lực để các em vươn lên trong cuộc sống.
Tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu lần thứ VIII năm 2024, chúng tôi bắt gặp những trẻ mồ côi với chiếc khăn quàng đỏ trên vai. Dù trải qua những mất mát tinh thần rất lớn, các em vẫn đạt những kết quả cao trong học tập.
Đã từ lâu, những bữa cơm của gia đình em Trần Nguyễn Hiển Danh (SN 2009, ở phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn) đã vắng đi bóng hình cha mẹ và những người thân.
Cha mẹ lần lượt mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, Danh và 2 anh trai đến sống cùng bác ruột và xem bác như người cha thứ hai. Đến năm 2021, đại dịch Covid-19 đi qua, 3 anh em Danh lại thêm một lần nữa mồ côi vì bác ruột mắc Covid-19 và qua đời. Kể từ đó, người anh trai cả tên là Trần Nguyễn Đoàn Viên phải nghỉ học sớm, làm nghề biển để lo cho 2 em được đi học. Thế nhưng không lâu sau, trong một lần ra khơi, Viên rơi xuống biển và chết đuối.
Biến nỗi đau thành nghị lực, nhiều năm liền, Danh liên tiếp đạt học sinh giỏi và danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Từ khi mất đi người thân, Danh đặt ra cho mình một quy ước là không đi học thêm để đỡ gánh nặng học phí và tập cho mình thói quen tự học, tự rèn luyện. Sau những giờ học căng thẳng, em đọc sách để lòng mình được bình an. Thông qua đó, em được học những điều bổ ích mà cha mẹ chưa thể dạy.
“Em tin rằng dù cha mẹ không còn nhưng vẫn luôn dõi theo em và không muốn thấy em gục ngã. Những yêu thương và mong mỏi mà cha mẹ gửi gắm vào từng cái tên đặt cho 3 anh em chính là động lực để em cố gắng phấn đấu. Em phải cố học hành để sau này xứng đáng với niềm mong ước của cha mẹ”, Danh nói.
Trần Thúy Phương (bìa trái), Trần Nguyễn Hiển Danh (thứ 2 từ trái sang) và Đinh Thị Hân (bìa phải) nhận quà tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu lần VIII năm 2024. Ảnh: X.Q
Sau khi mất đi cha mẹ, có những đứa trẻ phải nương tựa vào ông bà để sống. Ở tuổi xế chiều, những người ông, người bà lại bắt đầu hành trình làm cha mẹ một lần nữa.
Em Trần Thúy Phương (SN 2011, ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh) đang sống cùng ông bà ngoại. Trong căn nhà cũ có phần chật hẹp, 3 người già, trẻ nương tựa nhau. Từ khi 2 tuổi, cha mẹ Phương ly hôn, cha đi lấy vợ khác, mẹ lâm bệnh nặng và qua đời không lâu sau đó. Những hình dung về cha mẹ được ông bà kể lại là tất cả những gì Phương biết.
“Em chỉ ước gì mẹ có thể bên cạnh em thêm vài năm nữa để em còn có thể nói lời yêu thương với mẹ. Nhiều lúc tủi thân vì nhớ mẹ nhưng em nén chặt vào trong vì sợ ông bà sẽ buồn. Em mong ông bà sẽ mãi còn bên cạnh để em có cơ hội báo hiếu”, Phương tâm sự.
Đó là ước mơ cũng là động lực mà Phương đang cố gắng hằng ngày. Biến đau thương trở thành động lực, liên tiếp nhiều năm, Phương đều là học sinh giỏi, xuất sắc. Ở trường, Phương là cán bộ lớp gương mẫu, tham gia nhiều hoạt động văn nghệ đạt kết quả cao.
Sắp sửa bước vào ngưỡng đại học, em Đinh Thị Hân (SN 2006, dân tộc Bana, ở xã An Trung, huyện An Lão) lại thiếu đi sự chỉ dẫn của cha mẹ. Từ khi cha mẹ mất, Hân không còn mong đến Tết và phải rất lâu Hân mới gác lại được những vết thương lòng để hòa nhập với cuộc sống. Hân đang là học sinh lớp 12 Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT An Lão. Nhiều năm qua, Hân là học sinh khá, giỏi, tham gia nhiệt tình vào các hoạt động của trường và đạt những thành tích cao. Những ngày sau cơn bão lòng, nụ cười và niềm vui đã trở lại với Hân. Hân đặt lên góc bàn thờ những tờ giấy khen mà mình đã được nhận để khoe với cha mẹ.
Hân nói: “Em sẽ cố gắng thi đậu đại học, sau đó tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống và lo cho em trai đang còn nhỏ. Em mong sau này 2 chị em sẽ vững vàng, được sống trong một gia đình hạnh phúc trọn vẹn. Em sẽ là chỗ dựa để em trai không cô độc trong cuộc đời”.
“Mặc dù cha mẹ đã không còn, nhưng tôi tin rằng các em không hề đơn độc vì vẫn còn xã hội đồng hành cùng các em. Chúng tôi luôn nỗ lực vận động các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm cùng thực hiện những sứ mệnh cao cả là bảo trợ những mảnh đời bất hạnh, giúp họ vươn lên trong cuộc sống”.
Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh NGUYỄN MỸ QUANG
XUÂN QUỲNH