DỰ ÁN TĂNG CƯỜNG KẾT NỐI GIAO THÔNG KHU VỰC TÂY NGUYÊN ÐOẠN QUA HUYỆN TÂY SƠN:
Chấp thuận phương án đền bù cho người dân
Chủ đầu tư gói thầu XL-01 thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua tỉnh Bình Ðịnh đã chấp thuận phương án đền bù 30 tỷ đồng để giải quyết những bất cập do công trình gây ra đối với người dân khi thi công dự án. Dù vậy, với tiến độ hiện tại, dự án chắc chắn không thể hoàn thành trước ngày 30.6.2024 như hợp đồng.
Chậm vì đâu?
Tuyến đường thuộc Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên qua tỉnh Bình Định (gọi tắt dự án) dài 17 km với hơn 1.400 hộ dân ở hai xã Tây Thuận, Tây Giang (huyện Tây Sơn) bị ảnh hưởng. Hơn 1 năm qua, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) liên tục gửi công văn cho UBND tỉnh cho rằng UBND huyện Tây Sơn không hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với 46 hộ dân bị ảnh hưởng (đoạn từ cầu Bàu Sen đến cầu Ba La), hệ quả là tiến độ thi công bị chậm.
Dù không vướng mặt bằng, nhưng nhà thầu thực hiện thi công tại cầu Ba La khá chậm. Ảnh: HẢI YẾN
Tuy nhiên, ông Đỗ Thành Long, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Tây Sơn, cho biết: Công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB cơ bản hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc và đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư tương đối sớm. Hiện, chỉ còn 3 trụ điện tại vị trí phía dưới cầu Ba La chưa thể di dời được do vị trí di dời mới nằm trong phạm vi nhà dân; đơn vị thi công lu nền đường làm nứt nhà dân, nhưng công tác xác định tài sản vật kiến trúc của các hộ dân bị ảnh hưởng trước và sau khi thi công rất chậm. Đến nay, chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn chưa trả lời bằng văn bản về thống nhất phương án GPMB nên không có cơ sở trình phê duyệt và chi trả tiền cho người dân.
Nhiều lần có mặt tại thực địa các điểm chưa thi công, yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư chỉ rõ vướng mặt bằng ở chỗ nào, tại sao chưa thi công để xử lý, song nhà thầu, chủ đầu tư chỉ huy động vài phương tiện ra hiện trường cho có và không thi công- ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, nêu nghịch lý. Đồng thời, ông Khánh cho biết thêm: Việc triển khai thi công dự án không đồng bộ, không có kế hoạch chi tiết cụ thể, phần nhiều có tính chất đối phó khi có đoàn công tác của Bộ GTVT về kiểm tra. Sau khi đoàn kiểm tra rời đi thì việc thi công lại chậm trễ và kéo dài. Đơn cử như việc đào mương thoát nước, họ đào rồi để đó, mãi đến 5 tháng sau mới triển khai đổ bê tông. Riêng việc này không thôi đã gây rất nhiều xáo trộn, khó khăn cho đi lại, sản xuất, kinh doanh của người dân. Rất khó thuyết phục người dân bình tĩnh, bớt bức xúc, tạo điều kiện cho DN tiếp tục thi công. Chúng tôi phải tổ chức vận động, tuyên truyền rất nhiều người dân mới đồng ý!
Đồng ý đền bù cho người dân
Trước tiến độ thi công dự án quá chậm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc việc hoàn thành công tác bồi thường, GPMB. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư phải thay đổi thiết kế, không để nền đường cao ngang nóc nhà dân; nhà thầu phải có giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt người dân, đặc biệt ở hai bên cầu Ba La, cầu Bàu Sen.
Những hộ dân bị ảnh hưởng dự án sẽ được bồi thường vào tháng 5.2024. Ảnh: HẢI YẾN
Chia sẻ bức xúc của người dân khi cuộc sống bị xáo trộn quá nhiều, ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, cho biết: “Tỉnh đã kiến nghị để Đoàn ĐBQH tỉnh gửi kiến nghị đến cấp có thẩm quyền. Nhà dân đang ở vị trí mặt đường, việc mua bán kinh doanh rất ổn, đơn vị thiết kế đường thế nào khiến nền đường cao bằng nóc nhà họ, đi lại đã khó huống chi sản xuất, kinh doanh. Làm gì có tình trạng làm đường xong thì nhà dân lọt sâu xuống dưới như vậy; nhà sát bên taluy đường không có đường gom, đi bộ phải bò, bắc thang cũng đi không được chứ đừng nói dắt xe. Hơn nữa lại nói là đã thỏa thuận với chính quyền địa phương rồi, rất vô lý”.
Sau cuộc họp vào ngày 18.4 giữa đại diện Ngân hàng Thế giới, chủ đầu tư, Sở TN&MT, UBND huyện Tây Sơn, phương án bồi thường cho 46 hộ dân, gồm: 17 hộ trên cầu Ba La (trong đó có 7 hộ giải tỏa trắng); 20 hộ dưới cầu Ba La; 9 hộ khu vực cầu Bàu Sen được chốt lại với kinh phí dự toán 30 tỷ đồng. Trong đó, UBND huyện Tây Sơn đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế dự án đường gom trên và dưới cầu Ba La với nền đường rộng 6,5 m, mặt đường 5,5 m. Đối với 7 hộ dân trên cầu Ba La, chủ đầu tư đền bù 100% về vật kiến trúc và tài sản trên đất, 40% giá đất. Đối với các hộ dân còn lại bị ảnh hưởng hỗ trợ nâng nền, hỗ trợ chênh lệch giá đất nằm trên phạm vi đường gom với QL 19.
Theo bà Lê Bình Thanh, Bí thư Huyện ủy Tây Sơn, những đoạn tuyến đã hoàn thành GPMB, thông tuyến, nhà thầu cứ triển khai; những vị trí cần phải tính lại phương án nhằm bảo đảm quyền lợi cho những hộ dân thiệt thòi quá lớn lãnh đạo huyện phải can thiệp. Với việc UBND huyện đạt thỏa thuận với chủ đầu tư về phương án bồi thường, xác lập được một số giải pháp để bảo vệ quyền lợi cho các hộ dân ở dọc hai bên đường, tiến độ dự án sẽ có thay đổi tích cực.
Sau những nỗ lực của lãnh đạo huyện Tây Sơn và sự vào cuộc rốt ráo của lãnh đạo tỉnh cương quyết bảo vệ quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng dự án, chủ đầu tư thống nhất phương án đền bù và cam kết cuối tháng 4.2024 chuyển cho UBND huyện Tây Sơn 22 tỷ đồng thực hiện công tác đền bù như phương án kể trên; 8 tỷ đồng còn lại tiếp tục chuyển vào tháng 5.2024. Hy vọng, chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành giải ngân để UBND huyện Tây Sơn thực hiện chi trả đền bù và làm đường gom đi lại, ổn định cuộc sống người dân.
HẢI YẾN