Giữ lửa tình yêu thời chiến
Chiến tranh đi qua để lại rất nhiều mối tình dang dở. Dù không một lời hứa hẹn, không có một kỷ vật để ghi nhớ về nhau nhưng đối với những người ở lại, tình yêu ấy vẫn vẹn nguyên như thuở đầu.
Nỗi nhớ khôn nguôi
Với bà Vũ Thị Thuận (ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát), 50 năm trôi qua, nỗi khắc khoải về chiến tranh và mối tình dang dở vẫn luôn in sâu trong tâm trí.
Năm 1970, chiến trường miền Trung - Tây Nguyên rất khốc liệt. Những cô gái tuổi 17 như bà Thuận rộn rã lên đường tòng quân. Trên chiến trường, bom đạn không có mắt, những người lính tìm thấy nhau chỉ qua ánh mắt, nụ cười.
Theo lời bà Thuận kể, tháng 6.1970, bà làm thanh niên xung phong và quen biết với ông Lưu Vũ Thi (quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Trong một lần hành quân qua đơn vị, chàng trai tuổi đôi mươi, nhỏ nhắn, nói giọng Quảng rất ngọt đã phải lòng cô thanh niên xung phong nước da rám nắng, hay cười. 7 ngày chung một chiến trường, tình yêu của 2 người chớm nở trong sự chúc phúc của bao đồng đội. Thế nhưng hạnh phúc chỉ tày gang, chỉ một năm sau khi chia tay đến đơn vị mới, ông Thi đã hy sinh. Nhận được tin dữ, bà Thuận chỉ biết dặn lòng một ngày nào đó hòa bình lập lại sẽ về thăm gia đình người yêu.
Tháng 3.1975, các tỉnh miền Trung -Tây Nguyên lần lượt giải phóng. Bà Thuận là một trong số những người lính còn sống sót sau cuộc chiến trường kỳ. Những ký ức về mối tình đầu với bao kỷ niệm đẹp đẽ đã thôi thúc bà thực hiện lời hứa. Năm 1976, bà lặn lội đi về vùng đất Duy Xuyên để tìm lại gia đình liệt sĩ. Thế nhưng, chiến tranh loạn lạc, gia đình liệt sĩ đã tìm đến nơi ở mới. Mãi đến năm 1979, bà Thuận mới tìm được nhà chị gái liệt sĩ Thi.
Những di vật mà liệt sĩ để lại cho gia đình không nhiều, chỉ có tờ giấy báo tử, chiếc mũ cối, một bức ảnh và bức thư mà chiến sĩ đã gửi về nhà trước khi hy sinh. Chiếc mũ cối - di vật duy nhất hằng đêm vẫn nằm trong vòng tay của mẹ liệt sĩ. Vì quá thương nhớ con, bà ôm nó vào lòng, hít hà mùi mồ hôi hòa lẫn với mùi khét nắng trên chiếc mũ. Khi bà Thuận ngỏ ý xin chiếc mũ cối để làm kỷ niệm, người mẹ ấy từ chối ngay. Mất khoảng 5 năm, sau khi trở về Quảng Nam để thăm lại lần nữa, chị gái ông Thi đã đưa bà Thuận tấm ảnh chân dung liệt sĩ, nhờ người sao lại một bản để cùng cất giữ.
“Những di vật mà anh Thi để lại không nhiều. Hằng năm, tưởng nhớ anh và những người đồng đội khác, tôi làm mâm cơm vào ngày 30.4 và ngày 27.7, xem là ngày giỗ chung”, bà Thuận ngậm ngùi kể.
Con trai bà Thuận thường cùng cha thắp hương cho liệt sĩ Thi và những người đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Phước. Ảnh: NVCC
Ân tình tiếp nối
Sau khi ông Thi hy sinh, thời gian trôi qua, bà Thuận đã có gia đình hạnh phúc với người chồng hiện tại cũng là cựu chiến binh. Đều là những người lính bước ra từ cửa tử, được sống trong hòa bình nên ông Lục Văn Nam (quê ở Hà Tĩnh) càng thêm trân trọng người đồng đội là mối tình đầu của vợ. Trong những chuyến lặn lội về thăm mảnh đất Quảng Nam, ông Nam là người đồng hành cùng vợ và ủng hộ vợ lập bàn thờ liệt sĩ Thi để tưởng nhớ. Những năm gần đây, khi bà Thuận đã sức cùng lực kiệt, ông Nam và con trai vẫn hay về thăm mộ liệt sĩ Thi tại nghĩa trang liệt sĩ xã Duy Phước (huyện Duy Xuyên).
Ông Nam tâm sự: “Nhiều người cho rằng tôi là người cao thượng. Chiến tranh không đơn thuần chỉ là người đi, kẻ ở lại. Những năm tháng ấy, chúng tôi nhường nhau từng miếng cơm, nhường nhau cả sự sống. Những tình cảm ấy vượt lên trên cả những ích kỷ, nhỏ nhen đời thường, nên tôi không cho rằng đó là sự cao thượng. Đó là sự tri ân sâu sắc đến những người đồng đội đã ngã xuống để chúng tôi nối dài tương lai”.
Chị Vũ Thị Phương (con đầu của bà Thuận) rất thích thú trước những câu chuyện bố mẹ kể. Bây giờ, khi bố đã già yếu, mẹ không còn minh mẫn, chị là người truyền đạt lại cho thế hệ con cháu nghe những câu chuyện bi tráng thời chiến tranh để các cháu quý trọng hòa bình hôm nay.
Chị Phương kể, chị chưa thể tưởng tượng được sự hy sinh, thiệt thòi của người lính cho đến khi nghe mẹ kể về một câu chuyện nhỏ. Trong một lần cùng tát nước mưa ở hào, liệt sĩ Thi đã lấy một tấm ny lông bao kỹ lại tấm thẻ có khắc tên, tuổi, quê quán của bà Thuận và dặn bà luôn đeo trên người để phòng khi ngã xuống thì còn có cơ hội trở về với quê hương, nguồn cội.
“Khi đang có chiến tranh không ai có thể nói trước điều gì. Khi nghe những câu chuyện của cha và mẹ, tôi càng thêm trân trọng hạnh phúc gia đình mình. Sau khi mẹ đau yếu, tôi sẽ thay mẹ lo hương khói cho những người lính, trong đó có liệt sĩ Thi”, chị Phương bộc bạch.
NGUYỄN XUÂN