Lưu giữ ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc
Có rất nhiều người con miền Nam nói chung và Bình Định nói riêng tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Sau đó, nhiều người đã bí mật trở vào miền Nam công tác, trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Tất cả họ đều được gọi rất ngắn gọn là “đi B”. Kỷ vật của những người đi B có giá trị rất đặc biệt.
Theo quy định, những người trước khi đi B (giai đoạn 1959 - 1975) phải gửi lại toàn bộ đồ dùng, tài sản cá nhân, giấy tờ… (gọi là hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B - HSĐB) cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ giữ. Năm 1976, Ủy ban Thống nhất Chính phủ giải thể, HSĐB được chuyển về cho Ban Tổ chức Trung ương. Năm 1981, Ban Tổ chức Trung ương chuyển giao HSĐB cho Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước quản lý, được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.
Lưu giữ ký ức
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã triển khai Đề án sao và trả bản sao HSĐB về chi cục Văn thư - Lưu trữ các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Bình Định. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh (nay là Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, thuộc Sở Nội vụ) đã phối hợp bàn giao hơn 4.700 bản sao HSĐB về các địa phương trong tỉnh để thông tin, trao trả cho những người liên quan.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh nhận bàn giao lại 43 hồ sơ đi B từ đại diện Phòng Nội vụ TP Quy Nhơn (bìa phải). Ảnh: H.THU
Cùng với đó, vẫn còn nhiều bản sao HSĐB khác được bảo quản tốt tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Từ HSĐB được trao trả lại hoặc lưu trữ đã giúp cho việc làm hồ sơ thủ tục khen thưởng, chế độ chính sách đối với cán bộ tập kết ra Bắc được thuận lợi.
Theo ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết tỉnh Bình Định là một trong những tỉnh có nhiều HSĐB nhất tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, đồng thời cũng đánh giá cao tỉnh thực hiện tốt việc trao trả bản sao HSĐB của Bình Định.
“Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đề nghị tỉnh Bình Định rà soát, thống kê, báo lại danh sách bản sao HSĐB đã trao trả mà chỉ có các loại giấy tờ. Trên cơ sở này, họ kiểm tra kho lưu trữ, nếu có kỷ vật của cán bộ người Bình Định trong HSĐB thì sẽ tiếp tục trao trả về tỉnh. Chúng tôi đang từng bước phối hợp thực hiện việc rất ý nghĩa này”, ông Định cho biết.
Thực hiện theo đề nghị của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã và đang phối hợp báo cáo lại số lượng bản sao HSĐB đã trao trả, đồng thời giao lại bản sao HSĐB nếu không trao trả được. Đơn vị thực hiện đầu tiên là Phòng Nội vụ TP Quy Nhơn, đã giao lại 43 bản sao HSĐB cho Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh vào ngày 10.4.
Bà Dương Thị Bích Hà, chuyên viên Phòng Nội vụ TP Quy Nhơn, cho biết: “Sau khi làm thủ tục bàn giao, chứng kiến toàn bộ 43 bản sao HSĐB được đưa vào cất trong kho chuyên dụng của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, tôi thấy rất yên tâm”.
Di vật, kỷ vật của đồng chí Phạm Văn Ngâm (SN 1929, quê ở huyện Hoài Ân) trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Ảnh: H.THU
Tái hiện “Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc”
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh sẽ tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ về “Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc” (dự kiến tháng 8.2024), nhằm kỷ niệm 70 năm sự kiện thi hành Hiệp định Giơnevơ và chuyển quân tập kết ra miền Bắc tại Quy Nhơn.
Ông Lâm Trường Định cho biết: Chuẩn bị cho triển lãm, ngoài nguồn tư liệu hiện có tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, đơn vị đã và đang tìm kiếm, sưu tầm từ các nguồn khác như: Vận động sự phối hợp, ủng hộ từ các cá nhân, gia đình, dòng họ còn tư liệu, tài liệu, kỷ vật liên quan; từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, các bảo tàng, nơi có lưu trữ tài liệu, kỷ vật ở các địa phương trong tỉnh… Dự kiến, trong khuôn khổ triển lãm có hoạt động trao trả kỷ vật của những người tập kết ra Bắc.
CMND có giá trị đến ngày 31.12.1962 của đồng chí Phan Trí Viên (SN 1909, quê ở huyện Tuy Phước) trưng bày tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Ảnh: H.THU
Tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh hiện trưng bày trang trọng nhiều bản sao HSĐB, cùng một số di vật, kỷ vật liên quan. Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, lưu trữ viên của Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, việc lựa chọn, trưng bày những vật dụng, giấy tờ, các loại huân, huy chương, sổ tay, thư, hình ảnh… đã gây xúc động cho khách đến tham quan, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên.
“Đây là những di vật, kỷ vật “biết nói” về lý tưởng cách mạng, nhiệt huyết tuổi trẻ, cuộc sống và nỗ lực học tập, rèn luyện, cống hiến, hy sinh của những người con Bình Định tập kết ra Bắc trong một giai đoạn lịch sử gian khó nhưng hào hùng của dân tộc”, bà Nguyệt chia sẻ.
Có mặt chứng kiến buổi bàn giao lại 43 HSĐB nêu trên tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, tôi xin phép mở xem HSĐB của cán bộ Nguyễn Thọ Nam (SN 1930, nguyên quán TX Quy Nhơn). “Ngược dòng lịch sử”, ngày 24.1.1954, khi đang làm nghề thợ nguội và là đoàn viên Công đoàn cơ khí vận tải tỉnh Bình Định, anh thanh niên Thọ Nam viết đơn tình nguyện đi Việt Bắc để phục vụ công tác chuyên môn theo tinh thần chỉ thị của Liên hiệp Công đoàn tỉnh.
Sau đó, anh Nam được tập kết ra Bắc, quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ, được kết nạp Đảng vào tháng 12.1959. Đọc giấy giới thiệu sinh hoạt đảng vào ngày 4.9.1964 cho đồng chí Nguyễn Thọ Nam (34 tuổi) đang công tác tại Nhà máy ô tô 1-5 chuyển đến công tác ở Tổng Công đoàn Việt Nam, cho thấy sự kỹ lưỡng trong tình hình thời đó, khi ở góc phía dưới tờ giấy giới thiệu có phần nêu đặc điểm chiều cao, dấu vết đặc biệt của anh Nam.
Có lẽ vẫn còn nhiều, rất nhiều thông tin hay, câu chuyện ý nghĩa nằm trong những HSĐB đang được lưu trữ, hoặc từ những kỷ vật, di vật liên quan đến những người tập kết ra Bắc, hy vọng sẽ được “hội tụ” đến với đông đảo công chúng trong triển lãm “Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc” thời gian tới.
TRUNG THU