Ðiều đẹp nhất
Truyện ngắn của LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Bà đã hơn chín mươi nhưng vẫn hay kể cho tôi nghe về mối tình thời chiến của mình; dù lẫn nhiều nhưng cứ đến đoạn ký ức ấy mọi thứ lại đột nhiên rành mạch. Giọng bà có phần chậm rãi. Đôi khi đương nói lại dừng lại, tưởng như không biết mình đang nói những gì, nhưng sau nhiều lần nghe tôi biết bà đã trôi về đến những mốc thời gian đặc biệt. Chính điều đó khiến câu chuyện bà kể trở nên đậm tình. Giọng nói đều đều chậm rãi, ánh mắt nhìn về một khoảnh trắng quá đỗi xa xăm, tựa như đang sắp xếp để mọi thứ đúng vào lớp lang của nó. Khi đó chỉ còn bà với những gì đã xảy ra.
***
Bà hay ngồi nơi chái nhà, bỏm bẻm nhai trầu rồi đôi khi rì rầm nói chuyện một mình. Mẹ tôi hay bảo, ông Thiện “về” đấy, bà đang nói chuyện với ổng.
Tôi là đứa chắt duy nhất của bà, gọi bà bằng cố, từ nhỏ do gia đình luôn bận rộn với việc mưu sinh, một tay bà nuôi dưỡng tôi. Tuổi thơ của tôi là nơi thềm nhà, nơi bà thức dậy từ sớm, ngồi giã trầu và ngân nga vài điệu hát… Thang âm điệu thức ấy theo tôi giòn giã suốt cả những cơn nắng trưa và cả sự yêu thương của bà cùng những câu chuyện kể của bà là điều tôi vẫn hằng khắc ghi. Thậm chí đến độ cho tới sau này, mỗi khi nghĩ lại về bóng hình nhỏ bé nơi góc thềm ấy, những giai điệu mà tôi dẫu không thuộc nổi vẫn cứ dội từng làn về trong tâm trí, cùng những kỷ niệm ấu thơ.
Bà kể trước khi lấy ông, bà có một mối tình khắc cốt ghi tâm với một người tên Thiện. Ông Thiện với bà không chỉ là thanh mai trúc mã của nhau mà còn “gần như” đã là vợ chồng, chỉ chờ về ở chung với nhau. Cũng bởi hai người từ nhỏ đến lớn đã ở bên cạnh nhau, là hàng xóm sát nhà, thậm chí ngày xưa khó khăn không câu nệ một cái lễ hỏi nhưng hai bên gia đình đều đã thưa gửi, thuận đà ước định. Thế rồi hết một cuộc chiến nhưng đất nước vẫn cứ bị chia cắt, khói lửa chiến tranh vẫn nổ ra, rồi kéo dài hơn hai mươi năm. Vì tình yêu quê hương ông tiếp tục nối dài đường ra trận, bà bươn chải nơi hậu phương, chuyện tình yêu cũng vì thế phải gác lại. Mỗi khi kể về ông Thiện, bà vẫn hay lén ngước nhìn lên di ảnh của ông tôi rồi cười bẽn lẽn:
- Tao kể với mày thôi chứ ổng mà biết là ổng ghen với ông Thiện lắm. Nhưng giờ ổng “đi” rồi có muốn ghen cũng đợi tao về bên kia cái đã.
Trên đôi gò má đã in hằn những vết tích của thời gian vẫn còn nụ cười duyên thắm. Những lúc như thế tôi hay trêu bà hẳn khi xưa xinh lắm mới được cả ông và ông Thiện xiêu lòng, bà lại bẽn lẽn cười. Điệu cười e ấp như đóa hoa sớm nở tuy đã bị khuất phục trước dòng chảy thời gian nhưng vẫn không lu mờ vết tích vàng son. Bà kể năm xưa, khi tiễn ông Thiện ra trận, bà vẫn còn trẻ ghê lắm. Bà ghẹo tôi:
- Xưa ấy, tuổi trăng rằm là yêu đương được rồi, tầm như tao ngày ấy nhiều người con cái đùm đề rồi. Nhưng giờ thời thế thay đổi, mày mà yêu sớm là mày chết với thằng bố mày đấy nhé.
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
Bà bảo ngày xưa tình yêu Tổ quốc cháy bỏng trong mỗi con tim bất cứ ai, chính bà dù rất yêu ông nhưng vẫn gạt tình riêng, động viên người yêu ra trận. Tự mình bà cũng thành cô du kích, hăng hái cống hiến thanh xuân cho Tổ quốc. Tình yêu ngày đó bền chặt như hiển nhiên phải vậy. Ông Thiện và bà chỉ có thể duy trì tình yêu và sự nhớ nhung qua những cánh thư mà có khi rất lâu mới đến đích. Những cánh thư khiến dẫu xa cách đến mấy vẫn làm người ta có cảm giác người ấy luôn ở cạnh bên để làm động lực. Vì đó là tình yêu thời chiến.
- Vậy rồi từ ngày đó ông Thiện đi luôn hả bà?
- Không, cũng có về chứ. Về được mấy bận kia!
Về mấy bận nhưng bận nào cũng rất ít ỏi. Bà và ông luôn trân trọng từng khoảnh khắc đó. Ông căng tràn sinh lực, vạm vỡ. Bà đương độ xuân thì mơn mởn. Nhưng ông và bà cùng giữ một lời thề thủy chung, chờ đến ngày chiến thắng sẽ dành cho nhau điều đẹp nhất. Ông kể rất nhiều về những nơi ông đã đi qua, về trận chiến khốc liệt, bà cũng kể về những thay đổi nơi hậu phương, cuộc nói chuyện của hai người chưa từng có một lời yêu nào nhưng toát lên từ đó tất cả lại là tình yêu đôi lứa.
Ai cũng tin thắng lợi cuối cùng đang đến và đang đến mỗi ngày một nhanh hơn khi cả thế hệ của họ và cả những người thuộc lớp kế tiếp hăng hái, căng tràn tin yêu. Nhưng bà, tính vốn cứng rắn, quyết liệt hơn cả ông, nên lần đó chờ mãi chờ mãi không thấy bà đáp lời, tỏ ra giận dỗi, ông bèn hỏi lại:
- Em có điều gì muốn nói với tôi không?… Không ư… Nếu thấy lâu quá, không chờ tôi được nữa, thì cứ lấy chồng đi nghe...
- Rồi bà có nói gì không. Trời ơi, sao bà không nói, ông chỉ muốn nghe bà nói bà yêu ông đấy thôi. - Tôi bực bội cướp lời.
Bà nhẹ giọng: Thì tao biết chứ. Nhưng ngày ấy nói ra những điều như thế nghe nó ủy mị lắm. Ông vốn cục mịch, nói ra đến như thế là lòng ông tha thiết vô cùng. Nhưng bà vẫn không nói. Hồi đó cứ cho rằng như thế mới giúp người ra trận vững lòng hơn. Nhưng ông đi rồi bà cũng khóc rất nhiều, cả giận nữa, giận chính mình.
Sáng hôm sau khi ông chuẩn bị lên đường, chờ mãi không thấy bà tới còn nghĩ những lời mình nói hôm qua làm bà tổn thương. Có lỗi lắm nhưng cuộc hành quân đang chuẩn bị, không thể dừng lại. Khi đoàn ra đến đầu làng đã nghe tiếng gọi với - bà đang chạy theo sau, lưng ong ướt đẫm mồ hôi, đôi mắt quầng thâm nom nhìn đã biết cả đêm thức trắng. Bà dúi vào tay ông chiếc áo mà bà đã mua làm quà từ lâu nhưng giờ mới có dịp đưa, trên ve áo có thêu hai cái tên, đó là tên ông và tên bà…
Bà kể, cứ mỗi lần gặp lại ông là lại thấy ông thay đổi, làn da đen sạm hơn nhưng đôi mắt vẫn như phát ra ánh sáng; trên cơ thể in hằn nhiều vết sẹo nhưng ông vẫn luôn rạng rỡ vững vàng; thân hình cũng vạm vỡ hơn như được trui rèn bởi khó khăn; và nhất là ý chí, ngày càng mạnh mẽ hơn với niềm tin hòa bình đang về. Họ đã trưởng thành, chín chắn lớn lên. Lần nào khi chia tay, ông cũng nói với bà: Hãy chờ tôi về, tôi nhất định sẽ cưới xin mình đàng hoàng. Ông cũng không còn hối thúc bà nói ra lời yêu thật tròn vành rõ tiếng nữa. Bà cũng thôi không gắng gượng cứng rắn với ông nữa.
Với một giọng trầm buồn, bà kể tiếp: Ngày đó nói thiệt tao còn trẻ quá, tính tình cũng còn trẻ con, đợi ổng một thời gian dài thì đợi được nhưng khi ổng ở bên lại không biết trân trọng.
Bà kể ngày ấy hầu như chỉ nhận được thư đơn phương, cộng với nỗi nhớ cồn cào của những năm tháng xa nhau, và thỉnh thoảng bà lại nghe lời chọc ghẹo của các chị chàng và cả những anh lính cùng làng về quê: Em coi mà giữ thằng Thiện, nó được khối cô xin theo đấy nhé. Một người, hai người, năm người, bảy người… Cứ thế cứ thế và rồi cuối cùng bà cũng dỗi, cũng hờn; dỗi hờn nhiều đến mức không cho ông được tỏ bày. Oái ăm thay nghe cứ như rất là đơn giản thì rồi cũng đến lúc hiểu ra và mọi thứ sẽ bình ổn trở lại chứ. Nhưng chiến tranh, chiến tranh thường không cho con người ta có thời gian sửa sai. Bà không thể ngờ rằng ngay ở lần đầu tiên dỗi hờn ấy bà mất ông.
Hai người mất liên lạc sau đó, bà vẫn còn giận và cũng vì nghĩ nếu ông thực sự thương bà thì sẽ không để mất bà. Cứ thế bà cả chờ và cũng nhiều cảm xúc đan xen. Sau đó bà tìm cách liên lạc với ông vì nỗi nhớ dấy lên từng cơn nhưng cuộc chiến từng hồi ác liệt, không có cách nào liên lạc được. Ông đi biền biệt càng ngày càng xa tít tắp vào mặt trận phía Nam. Thư từ càng lúc càng thưa. Đến khi cuộc chiến đi vào giai đoạn cao trào để chuẩn bị kết thúc thì bà bặt tin ông.
Bà lấy ông tôi khi đã cưng cứng tuổi, một phần bà vẫn chờ ông Thiện nhưng bặt tăm tin tức, rồi bà cảm động bởi tình cảm ông tôi dành cho bà… Rất nhiều năm sau bà mới có dịp gặp lại đồng đội ông Thiện khi xưa trong cuộc họp cựu chiến binh. Ông Thiện hy sinh trong một lần lọt vào ổ phục kích của địch, thân xác đã tan vào sông nước…
Bà nghe đồng đội ông kể lại: Ngày đó lúc có chuyện với em xong, thằng Thiện nó rất muốn viết thư giãi bày nhưng tụi anh được lệnh hành quân liên tục, thay đổi phiên hiệu liên tục, thậm chí có lúc dạt sang nước bạn đóng quân để chờ thời cơ đánh vu hồi ngang lưng kẻ thù. Hết đợt “rèn quân chỉnh cán” này lại nối sang đợt “nâng cao tư tưởng, dốc lòng quyết tâm” khác; ai cũng hăm hở với thời cơ giải phóng miền Nam hiển hiện trước mặt. Hòa bình tới nơi rồi. Hòa bình rồi tha hồ giãi bày… Có ai ngờ đâu…
Kể tới đó chợt đôi mắt bà ngấn nước nhìn tôi: Sau này khi con bắt đầu yêu thương một ai đó, hãy biết lắng nghe và thấu hiểu. Khi cảm thấy sắp có cãi vã, hãy ngừng nói chuyện và nhìn nhận lại mọi thứ. Vì lúc cãi nhau sẽ nói những điều mình không thực sự nghĩ như vậy.
Tôi nhiều lần thấy bà trò chuyện với ông. Tôi không nghĩ đó là mê tín, không nghĩ bà mình lẩn thẩn. Tôi tin có một trường năng lượng nào đó mà khi con người ta nhớ nghĩ đủ nhiều, tha thiết đủ nhiều, khi ấy từ người đó sẽ lan tỏa ra một phổ năng lượng đủ mạnh, đủ sâu, người ta sẽ kết nối và biến ký ức thành hiện thực sống động, đủ để mình bước vào đó, bất kể cách trở không gian, thời gian, và dĩ nhiên kể cả cách biệt âm dương. Nếu không có những trường năng lượng như thế làm sao con người ta có thể bình an vượt qua những mất mát, tổn thất như thế hệ bà tôi đã dũng cảm đương đầu.