Một kỷ niệm với bác Huỳnh Tấn Phát
Tạp bút của THANH THẢO
Thực ra, trong đời tôi chưa từng được gặp trực tiếp bác Huỳnh Tấn Phát, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Nhưng con người ta có nhiều kiểu, cách gặp nhau lắm. Đôi khi chỉ vì vài dòng khai mở thôi nhưng không ít hậu nhân phải cung kính khấu đầu bái vọng tiền bối thuở xa xưa đã đưa ra một gợi mở...
Số là, khoảng giữa năm 1973, khi về lại chiến khu Ban Binh vận Trung ương Cục (Cục R), tôi đã hoàn thành được bản thảo tập thơ đầu tay của mình, tập “Dấu chân qua trảng cỏ” mà tôi bắt đầu viết từ tháng 1.1971, tạm kết thúc vào tháng 5.1973. Tôi vẫn nghĩ đây như một tập thơ - nhật ký, từ bài thơ “Mẹ Quảng Bình” viết ở Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình tới bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình” thai nghén ở ven lộ 4 Cai Lậy (Mỹ Tho) và hoàn thành ở chiến khu Vàm Cỏ Đông.
“Dấu chân qua trảng cỏ” gần như là nhật ký của tâm hồn tôi, ghi lại trung thực những gì tôi cảm và nghĩ về cuộc Chiến tranh, về Đồng đội, về Nhân dân và Đất nước. Nó tuyệt đối chân thành. Tôi không nói dối trong thơ, vì tôi không phải chịu bất cứ áp lực nào khi làm thơ. Không áp lực đăng báo, in sách, nổi tiếng hay gì hết. Ngay ở cơ quan tuyên truyền Binh vận của tôi, mọi người, có lẽ trừ nhà văn Lưu Kiểng Xuân (Tư Xuân) và nhà báo Hoàng Liên (Hai Hoàng), còn lại không ai biết tôi làm thơ.
Suốt mấy năm, có trong tay nhiều bài thơ nhưng tôi chưa một lần gửi ra Bắc theo cách “từ miền Nam gửi ra”, dù biết Hà Nội rất ưu ái và trân trọng những tác phẩm từ miền Nam gửi ra. Khi đã ra đến nơi thì việc đăng báo hay in sách những tác phẩm ấy gần như là đương nhiên. Nhưng như đã nói tôi không gởi.
Khoảng gần cuối năm 1973, chú Tư Tịnh Đức, một ủy viên Ban biên tập Đài Phát thanh Giải phóng - một người chú đồng hương thân thiết của tôi, được lệnh ra Bắc, sang “cứ” Binh vận chơi, chú Tư Đức hỏi tôi có muốn gửi thư cho thầy má tôi hay gửi gì ra Hà Nội không. Tôi đã chép tay tập thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” trên giấy xấu, và gửi nhờ chú Tư Đức cầm ra cho thầy má tôi. Vừa lúc đó, có anh Ba Khanh, một trí thức yêu nước hoạt động nội thành lên chiến khu, lúc đó anh Ba Khanh là thư ký cho bác Huỳnh Tấn Phát, sang chỗ chúng tôi chơi. Thấy bản thảo tập thơ, anh Ba Khanh nói để anh mang về bên văn phòng ông Huỳnh Tấn Phát, tức Văn phòng Chính phủ cách mạng lâm thời, đánh máy hộ. Tôi mừng quá, trao ngay bản thảo cho anh. Một thời gian sau, tôi nhận được ba bản đánh máy khá chuẩn xác bản thảo tập thơ mình. Chưa kịp mừng, thì anh Ba Khanh qua chơi, lại nói: “Mình gặp rắc rối với tập thơ của “ông” . Đưa nhờ đánh máy, mình cứ tưởng cũng đơn giản, nên không xin phép tay chánh văn phòng ở bển. Thế là tay này gai mắt, cho là mình qua mặt, nên báo cáo với ông Phát là Ba Khanh đưa đánh máy một tập thơ “có vấn đề”. Mình bực quá, bèn đưa luôn cho ông Phát đọc và cho ý kiến để sự việc rõ ràng. Nể “trí thức yêu nước” nên ông Huỳnh Tấn Phát đọc ngay. Xong ổng tâm sự với mình: Tôi không thấy có “vấn đề” gì trong tập thơ này cả. Anh Ba cứ yên tâm đi.”
Một hôm nhà văn Lê Điệp, bạn thân của tôi qua “cứ” Binh vận thăm chơi, đọc bản thảo tập thơ, thích quá bèn viết thư gửi nhà thơ Chế Lan Viên khi ấy đang là Trưởng ban biên tập thơ tạp chí “Tác Phẩm Mới” mà Lê Điệp vốn thân quen. Bức thư viết tay đầy tình cảm của Lê Điệp giới thiệu tôi cùng tập thơ vượt Trường Sơn ra Bắc... Những chuyện sau này thì hẳn các bạn đã rõ, tôi xin phép không thuật lại.
Hoàn thành bản thảo tập thơ này, tôi cũng nhẹ lòng. Ít nhất, tôi đã hoàn thành một phần tâm nguyện của mình khi quyết định chia ly với cha mẹ mình đã già yếu vò võ ngóng trông, dấn thân vào chiến trường. Tôi đã cất lên được tiếng nói nhỏ bé của mình về một thế hệ mất mát - thế hệ những người lính, đặc biệt là những người lính miền Bắc - mà tôi phần nào sẻ chia được số phận với họ. Đất nước chúng ta, hòa bình thì ít, chiến tranh thì nhiều. Hạnh phúc thì ít, bất hạnh thì nhiều. Người làm thơ ở đất nước này không thể ca hát véo von được, không thể hám danh hay kiếm chác trên nỗi đau của nhân dân mình được. Ai cũng biết như thế và ai cũng dũng cảm dấn thân, nghĩ suy của ai cũng cao cả và hướng thượng như thế.
Về sau này, mỗi khi nhớ lại chuyện bác Huỳnh Tấn Phát đọc “Dấu chân qua trảng cỏ” tôi lại xúc động. Một nhà trí thức lớn, một lãnh đạo Chính phủ, bận bao nhiêu là việc, mà bác vẫn dành thời gian đọc tập bản thảo thơ của một cây bút trẻ chưa có tiếng tăm gì như tôi, và nhận xét ngắn gọn của Bác đã bảo vệ được tập thơ và tôi, thì làm sao không cảm động, không biết ơn được!
Đã nhớ bác Huỳnh Tấn Phát sẽ nhớ đến những nhà lãnh đạo Mặt trận hồi chiến tranh, các bác Nguyễn Hữu Thọ, Trần Bửu Kiếm, Trịnh Đình Thảo… Họ đều là những trí thức lớn tha thiết yêu nước, yêu nhân dân. Vì yêu nước mà từ bỏ mọi ưu ái của chính quyền Sài Gòn, từ bỏ cuộc sống vương giả để - người thì vào tù rồi vào rừng, người thì lên chiến khu để cùng toàn dân cứu nước, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ. Đó là những tấm gương đẹp nhất về người trí thức Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành Hòa Bình Thống Nhất cho đất nước.