Sức sống mới ở An Toàn
An Toàn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện An Lão, với trên 99% dân số là người dân tộc Bana. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân đã giúp An Toàn đang có những bước chuyển mạnh mẽ.
Cây mới, hy vọng mới
Trước đây, trên mảnh đất màu 3 sào của gia đình ông Đinh Văn Trường (SN 1972, dân tộc Bana, ở thôn 1) chủ yếu trồng khoai mì, hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2024, qua sự tuyên truyền, vận động của lãnh đạo UBND xã, HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn, ông đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây dược liệu đương quy, có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, có thể giúp ông thoát nghèo, tạo nguồn thu nhập ổn định hơn.
Theo ông Trường, đây là năm đầu tiên ông trồng đương quy với số lượng gần 11.000 cây. Đương quy là cây trồng mới nên ông được HTX hướng dẫn từ quy trình kỹ thuật trồng đến cách xử lý đất, bón phân, gieo hạt, làm luống… Nhờ tích cực chăm sóc, đến nay cây sinh trưởng tốt. Theo tính toán, sau 1 năm trồng ông có thể thu hoạch được gần 3 tấn củ, bán ra thị trường với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, số lượng lá thu được bán với giá 20.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm có thể đem lại thu nhập cho ông trên 120 triệu đồng.
Một góc xã vùng cao An Toàn nhìn từ trên cao. Ảnh: DŨNG NHÂN
Còn gia đình bà Đinh Thị Canh (SN 1970, dân tộc Bana, ở thôn 1) cũng mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng đương quy. Bà Canh chia sẻ: “Qua sự vận động của xã, HTX và tìm hiểu qua sách, báo, tôi nhận thấy đương quy là cây dược liệu quý, được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá bán cao. Vì vậy, tôi quyết định trồng gần 2 sào đương quy, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đến nay cây phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác”.
Ông Vũ Đức Hòa, Giám đốc HTX Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn, cho biết: Năm 2024, thực hiện 2 dự án hỗ trợ liên kết trồng, chế biến, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ cây đương quy, HTX đã liên kết với 31 hộ dân ở thôn 1 trồng 4 ha cây đương quy. Với các hộ tham gia dự án, HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm, “cầm tay, chỉ việc” kỹ thuật trồng, cách thu hoạch, bảo quản dược liệu... Từ dự án, chúng tôi mong muốn sẽ mở ra hướng thoát nghèo mới cho người dân, tạo nguồn thu nhập ổn định, giải quyết việc làm tại địa phương.
Năm 2023, thông qua các dự án hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, UBND xã An Toàn đã hỗ trợ sinh kế cho 181 hộ nghèo, cận nghèo, gồm: 36 con trâu, 165 con heo đen sinh sản, 46.881 cây dứa, 6.993 cây chuối; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao KHKT giúp người dân sản xuất hiệu quả. Cùng với đó, xã còn tạo điều kiện về thủ tục vay vốn cho 160 hộ vay với số tiền trên 8,8 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, hỗ trợ người dân có nguồn vốn để tái cơ cấu sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Ông Đinh Văn Đang, Chủ tịch UBND xã An Toàn, cho hay những năm qua, chính quyền địa phương luôn chủ động tuyên truyền, định hướng để bà con thay đổi tư duy theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu” trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế mới, cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân đã có những bước thay đổi rõ nét.
Mở rộng không gian phát triển
Thời gian qua, không chỉ hỗ trợ người dân thoát nghèo, UBND xã An Toàn đã tận dụng nhiều nguồn lực khác nhau để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Điển hình như tuyến đường dân sinh ở trung tâm thôn 1, trước đây là con đường bê tông nhỏ, qua thời gian sử dụng bị hư hỏng nặng, mỗi khi trời mưa đường lầy lội, gây khó khăn cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Tháng 9.2023, từ nguồn ngân sách xã, UBND xã đã triển khai nâng cấp, mở rộng tuyến đường, xây dựng kênh thoát nước, đèn đường dài gần 200 m, với tổng mức đầu tư gần 200 triệu đồng.
Ông Đinh Văn Trai (SN 1955, dân tộc Bana, ở thôn 1) cho biết: “Bao năm đi lại vất vả, giờ đây có con đường bê tông mới, rộng rãi và sạch đẹp, thuận tiện cho người dân đi lại, vận chuyển nông sản, học sinh đến trường thuận lợi, nên ai ai cũng phấn khởi”.
Cán bộ xã An Toàn hướng dẫn người dân chăm sóc cây cam xoàn. Ảnh: T.C
Theo UBND xã An Toàn, với mục tiêu gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới, những năm qua, xã đã tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và nâng cao chất lượng, cuộc sống cho nhân dân. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 100% tuyến đường nông thôn được bê tông hóa; 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch; các công trình trường học, nhà văn hóa, sân thể thao, sân chơi, kênh mương tưới tiêu... được xây dựng kiên cố, đảm bảo. Xã đã đạt 6/19 tiêu chí nông thôn mới.
Ông Đinh Văn Đang nhấn mạnh, thời gian tới, xã sẽ tận dụng mọi nguồn lực kết hợp với nội lực trong nhân dân để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, góp phần thay đổi toàn diện đời sống KT-XH trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền người dân ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững bằng những mô hình kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, xã tiếp tục kêu gọi nhân dân đoàn kết, vượt qua khó khăn, đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng xã An Toàn ngày càng giàu đẹp, phát triển hơn.
“Ðược sự quan tâm, hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước, đời sống của người dân tộc thiểu số huyện An Lão nói chung và xã An Toàn nói riêng đã có nhiều thay đổi. Huyện đang tiếp tục triển khai đầu tư các dự án phát triển KT-XH từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ để tiến tới giảm hộ nghèo, tăng hộ khá giả, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội trên địa bàn”.
Bí thư Huyện ủy An Lão NGUYỄN XUÂN VĨNH
TRIỀU CHÂU