Tâm huyết với hoạt động khuyến học, khuyến tài
Không ngừng tìm kiếm, thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, suốt 14 năm làm Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hoài Ân, ông Giang Trung đã giúp phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của huyện trung du không ngừng phát triển, vươn lên tốp đầu toàn tỉnh.
Phù hợp và hiệu quả
Ông Giang Trung từng là giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, sau về công tác tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Ông chia sẻ, vì hiểu rõ ngành giáo dục, tận tường khó khăn, thuận lợi của công tác khuyến học huyện nên ông đã tìm ra được cách gỡ từng “nút thắt”.
* Trong rất nhiều giải pháp đã đề ra, ông tâm đắc nhất là gì, thưa ông?
- Đó là giải pháp nâng chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Khuyến học huyện. Giai đoạn trước, đội ngũ chủ tịch hội khuyến học cấp xã đa số lớn tuổi, tuy rất tâm huyết, nhiệt tình nhưng phải cầm tay chỉ việc. Hiện tại, 2/3 số chủ tịch hội khuyến học cấp xã là cán bộ hội, đoàn thể kiêm nhiệm, am hiểu công nghệ, sử dụng thành thạo máy vi tính, nhanh nhạy thông tin; họ trẻ tuổi nên gặp khó khăn trong công tác tham mưu và vận động nguồn lực. Chính vì thế, tôi về các xã, làm việc với lãnh đạo UBND xã, lập nhóm Zalo kết nối các phó chủ tịch xã, thị trấn phụ trách mảng văn hóa - xã hội vào nhóm, thường xuyên đăng tải nội dung đáng quan tâm, để các phó chủ tịch xã nắm biết trước. Khi cán bộ hội khuyến học xã tham mưu, đề xuất gì, lãnh đạo UBND xã đã rõ nội dung, chủ động bố trí nguồn lực phù hợp.
Hàng quý, tôi tổ chức hội nghị trực báo với chủ tịch hội khuyến học các cấp trực thuộc để nghe anh em báo cáo tình hình trên địa bàn, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao có khó khăn, thuận lợi gì. Đồng thời, tôi dành thời gian đi về cơ sở kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cán bộ hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Hội Khuyến học huyện khen thưởng sinh viên quê Hoài Ân có thành tích học tập tốt mỗi dịp xuân mới. Ảnh: NVCC
* Một trong những việc Hội Khuyến học huyện Hoài Ân làm rất tốt là huy động nguồn lực trong cộng đồng. Ông có thể chia sẻ cách làm của mình?
- Thời gian đầu, tôi nhờ các anh lãnh đạo huyện vận động cùng. Khi được các cơ quan, DN, tổ chức, cá nhân quan tâm, tài trợ, tôi nỗ lực làm thật tốt phần việc của mình để tạo niềm tin, sự gắn bó lâu dài với họ. Biết một số nhà tài trợ từng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi giới thiệu họ những học sinh nghèo hiếu học. Số liệu về học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gặp khó khăn đột xuất được tôi cập nhật thường xuyên để nhà hảo tâm hỏi lúc nào tôi cũng có thể cung cấp ngay.
Tất cả sự hỗ trợ đều được công khai trên website của Hội, các trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông nếu nhà tài trợ đồng tình. Khoản nào nhiều (trên 50 triệu đồng), tôi đề nghị Hội Khuyến học tỉnh tặng nhà tài trợ bảng vàng tri ân; còn ít hơn, dù chỉ 1.000 đồng, tôi cũng nêu tên họ, biểu dương tấm lòng của họ.
Nhiều năm qua, Học bổng Tăng Bạt Hổ - Hoài Ân do tôi vận động, củng cố và phát triển vẫn đều đặn mỗi năm vinh danh nhà giáo, cán bộ hội tiêu biểu, khen thưởng học sinh, sinh viên giỏi của huyện. Riêng năm 2023, Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân khen thưởng và hỗ trợ 3.665 suất học bổng với tổng số tiền hơn 387 triệu đồng.
Ông Giang Trung (SN 1951) là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hoài Ân 3 nhiệm kỳ liên tục từ năm 2009 đến nay. Với những đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài, ông được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2009), Huân chương Lao động hạng ba (2010), Bằng khen của Hội Khuyến học Việt Nam về thành tích xuất sắc trong 5 năm (2019 - 2023).
Phát triển đều các mô hình học tập
Theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, Hội Khuyến học huyện Hoài Ân đã xây dựng tốt các mô hình học tập, với một số chỉ tiêu đạt được 100%. Theo thống kê, đến nay, huyện Hoài Ân có 13.346 Công dân học tập (đạt 22,04% so với dân số từ 18 tuổi trở lên); 14.769 Gia đình học tập (đạt 59,5% so với tổng số hộ); 21 Dòng họ học tập (đạt 75% so với tổng số ban dòng họ); 82 Cộng đồng học tập (đạt 100% so với số cộng đồng dân cư); 79 Đơn vị học tập (đạt 69,9% so với tổng số đơn vị và 28% tổng số cơ quan)…
* Ông đã có giải pháp gì để thực hiện đều tay việc này, thưa ông?
- Tôi chọn chỉ đạo điểm. Từ năm 2015, Hội đã chọn 5 đơn vị chỉ đạo điểm, các chi hội cơ sở chọn 27 chi hội thôn, trường học để chỉ đạo điểm. Khi 100% đơn vị chỉ đạo điểm đạt được danh hiệu, Hội triển khai rộng rãi các mô hình xuống tận gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị.
Công tác tuyên truyền luôn được chú trọng thực hiện thường xuyên với hình thức linh hoạt, thu hút, dễ nhớ, dễ khắc sâu, đảm bảo từng người dân hiểu đúng, hiểu đủ ý nghĩa các mô hình học tập cùng cách triển khai thực hiện phù hợp.
* Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tới đây ông sẽ làm những gì nữa, thưa ông?
- Tôi sẽ tiếp tục bám sát cơ sở, hỗ trợ anh em tháo gỡ khó khăn, nâng chất lượng các hoạt động lên cao hơn nữa.
Thời gian tới, Hội sẽ tăng cường vận động nguồn lực hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ dạy học cùng một số công trình phụ dành cho giáo viên và học sinh các nhà trường, nhất là trường ở vùng khó, vùng dân tộc thiểu số của huyện.
Đồng thời, tiếp tục tham mưu Huyện ủy, UBND huyện tổ chức quán triệt Quyết định 387/QĐ-TTg ngày 25.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030 đến từng cán bộ hội, hội viên và nhân dân; đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng đề án và kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện cụ thể…
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC TÚ (Thực hiện)