20 năm kỷ vật tìm về
Không phải là lính và chưa từng khoác áo lính, anh Bùi Hữu Dung (ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) lại có cả một kho tàng kỷ niệm thời chiến trong cuốn sổ dày. Trong đó, hành trình trao gửi kỷ vật cho thân nhân liệt sĩ mà chính anh là nhân vật chính đã được ghi lại đầy đủ. Đó được xem là hành trình dài nhất trong cuộc đời anh.
Thân thương nghĩa tình đồng đội
Những ngày đầu tháng 4.2024, anh Bùi Hữu Dung tạm gác những chuyến công tác, lên chuyến bay về Phù Cát, trở về với mảnh đất được xem là “nhân duyên” của anh. Để có những cuộc sum họp hôm nay, anh Dung đã dành 20 năm mòn mỏi đi tìm thân nhân người đồng đội đã khuất của cha mình với những thông tin ít ỏi, mờ nhạt.
Theo lời kể của cha anh, năm 1970, ông là chiến sĩ Bùi Duy Phát (ở TP Quy Nhơn) và liệt sĩ Bùi Hữu Chiến (ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) là đồng đội, đều thoát ly gia đình từ năm 15 tuổi, theo chân một đoàn văn công đến chiến trường Kon Tum. Hai ông còn nhỏ tuổi nên phục vụ hậu cần cho đoàn văn công. Sau đó 3 năm, chiến trường Kon Tum trở nên nóng bỏng, những người chiến sĩ tay súng tay đàn phải chia tay để tham gia các chiến dịch. Trong giây phút chia tay và có thể không còn gặp lại, ông Chiến lấy cây bút cùng vài dòng viết vội “Nhất định phải về Phù Cát trước anh” gửi cho ông Phát. Chỉ 6 tháng sau, trong lúc di chuyển lên chiến trường Măng Búk (Kon Tum), ông Phát nhận được tin người đồng đội ấy đã mãi không trở về như lời hẹn.
Mùa hè năm 1973, ông Phát và nữ y tá kịp có với nhau đứa con đầu lòng. Ông đặt tên con là Bùi Hữu Dung (trùng tên đệm với liệt sĩ Chiến) để tưởng nhớ người đồng đội đã khuất. Đất nước thống nhất, ông Phát đau sốt rét nặng vì nhiều đêm hành quân ngủ ở rừng và mất sau đó không lâu. Trong giây phút chia xa, ông dặn vợ nhất định phải tìm được thân nhân người đồng đội đã khuất và gửi lại kỷ vật là cây bút để gia đình thờ phụng. Riêng bức thư đã nhòe, rách vì những trận mưa rừng.
“Khi cha mất, tôi còn quá nhỏ để hình dung được chiến tranh và sự chia ly. Lớn hơn một chút, khi nhìn thấy mẹ ban ngày chữa trị cho nhiều thương binh, không ngừng hỏi về gia đình bác Chiến, ban đêm khóc nhòe đôi mắt vì nhớ cha, tôi hạ quyết tâm sẽ thực hiện di nguyện của cha dù cho mọi thứ quá mờ nhạt”, anh Dung kể.
Anh Bùi Hữu Dung thắp hương viếng các liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Phù Cát. Ảnh: X.Q
Hành trình trọn nghĩa, vẹn tình
Đầu năm 1988, anh Dung cùng mẹ đi ngược lên huyện Tây Sơn hỏi thăm nhà bà Mí 5 (họ ngoại của liệt sĩ Chiến) thì được biết cha mẹ liệt sĩ Chiến lên chiến trường tìm con. Gia đình liệt sĩ Chiến chỉ còn 2 em (em trai tên Thắng, em gái tên Bình) ở Phù Cát được mẹ gửi cho hàng xóm (ở thôn Hội Sơn, xã Cát Hanh). Khi tìm về địa chỉ này, mọi người đều không còn nhớ đến Bình và Thắng nữa. Sau 2 năm, mẹ đổ bệnh, anh Dung đưa vào TP Hồ Chí Minh chữa bệnh và cư trú tại đây.
Anh Dung kể: “Thời điểm ấy gia đình rất khó khăn, tôi nghỉ học và làm nhiều việc chân tay để lo cho mẹ, tạm gác lại hành trình tìm gia đình cô Bình và chú Thắng trong sự thất vọng. Tận sâu trong lòng, tôi vẫn nung nấu ý định quay lại tìm họ một lần nữa”.
Đầu năm 2000, anh bắt xe đò về Quy Nhơn. Trên chuyến xe ấy có rất nhiều người Bình Định vào Nam kiếm sống. Gặp người nào, anh cũng hỏi từng cái tên gia đình liệt sĩ Chiến với hy vọng nhỏ nhoi. Ròng rã 3 năm, có bất kỳ thông tin nào anh đều tìm kiếm. Năm 2007, anh về lại nhà bà Mí 5 ở Tây Sơn với hy vọng cô Bình hay chú Thắng sẽ về thăm người thân. Cũng chuyến đi định mệnh đó, anh biết được cô Bình (tên đầy đủ là Bùi Thị Bình, tên thường gọi là Xíu) đang sống tại Gia Lai.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến năm 2023, cả nước có 200 nghìn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt; khoảng 300 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Những hành trình đưa kỷ vật trở về như trường hợp anh Dung đã phần nào an ủi linh hồn của những chiến sĩ ngã xuống với mong mỏi được đoàn tụ với gia đình.
Đầu năm 2009, Chủ tịch UBND huyện Kbang (Gia Lai) đã gọi điện cho anh Dung thông báo đã tìm được 10 trường hợp tên Bình, Xíu quê ở Phù Cát. Ngay trong đêm mùng 4 Tết, anh Dung dẫn mẹ tức tốc về Gia Lai để hội ngộ với người thân.
Huyện Kbang những ngày đầu năm mới, trong gian nhà xập xệ dựng bằng gỗ tại xã Đak Rong, cô Bùi Thị Bình (em gái liệt sĩ Chiến) đã bị tai biến, liệt nửa người, nằm một chỗ. Con gái của cô Bình là Lê Thị Linh nghẹn ngào đón lấy kỷ vật nâng niu. Riêng chú Thắng đã mất sau một cơn cảm hàn. Trên chiếc tủ đã sờn, linh vị của 4 người (liệt sĩ Chiến, bố mẹ liệt sĩ và chú Thắng) nối nhau. Vậy là hơn 20 năm, linh hồn liệt sĩ Chiến đã trở về với gia đình trong không khí xuân tươi ngập tràn.
“Chúng ta là một gia đình”
Thường được nghe cha kể chuyện chiến tranh và tình đồng đội, anh Dung đã ghi chép cẩn thận và đưa cho gia đình cô Bình cùng đọc để hiểu rõ hơn về “đôi bạn” năm ấy. Sợi dây vô hình đã kết nối những con người xa lạ trở nên gần gũi như người một nhà.
“Tôi hằng mong khi gặp lại cô Bình sẽ được thấy một người đi đứng khỏe mạnh, còn minh mẫn để kể tôi nghe về chuyến di tản năm ấy. Nhìn thấy mọi người sống trong ngôi nhà dột nát, tôi cảm thấy nhói lòng. Trong tim, tôi đã xem họ là gia đình”, anh Dung tâm sự.
Hiện nay, cuộc sống gia đình chị Lê Thị Linh đã đỡ vất vả hơn vì có thêm đôi tay chăm sóc của anh Dung. 2 con chị Linh được anh Dung đón vào TP Hồ Chí Minh ăn học và lo liệu toàn bộ học phí. Những ngày tháng 4 lịch sử này, anh Dung về vùng đất cách mạng Phù Cát, thắp nén nhang cho các anh hùng liệt sĩ để tưởng nhớ công lao của những chiến sĩ đã ngã xuống.
“Tôi chỉ mong rằng trong thời bình, những câu chuyện chiến tranh và tình đồng đội sẽ vẫn được thế hệ sau lưu giữ, khắc ghi. Chiến tranh đã lùi xa nhưng trên thực tế, rất nhiều liệt sĩ vẫn chưa thể trở về bên người thân, quê hương. Chúng ta không được phép quên điều đó”, anh Dung nói.
XUÂN QUỲNH