Lan tỏa mạnh mẽ tinh hoa võ cổ truyền Bình Ðịnh
Võ cổ truyền Bình Định mang giá trị văn hóa lịch sử độc đáo, đang được phát triển sâu rộng, mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh, thu hút đông đảo người dân mọi lứa tuổi tham gia tập luyện sôi nổi.
Vùng đất Bình Định hội tụ tinh hoa võ thuật của nhiều dòng võ, môn phái khác nhau và gắn liền với các địa danh Thuận Truyền, An Vinh, An Thái… rồi đi vào ca dao, hò vè như “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”, “Trai An Thái, gái An Vinh”…
Võ cổ truyền Bình Định là sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng của miền đất Võ. Ảnh: N.DŨNG
Kế thừa và trao truyền
Nhắc đến roi Thuận Truyền, người mộ võ sẽ nhắc ngay đến võ sư Hồ Ngạnh với đường roi “tuyệt kỹ vô song”. Nơi đang tiếp nối, gìn giữ nét đặc sắc và tinh hoa dòng võ này là võ đường Hồ Sừng (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn), hiện đang được võ sư Hồ Sỹ - truyền nhân đời thứ 5, phụ trách.
Võ sư Hồ Sỹ được cha là đại võ sư Hồ Sừng truyền dạy nét đặc sắc, tinh hoa của roi Thuận Truyền. Hiện tại, dưới sự dẫn dắt của ông, võ đường Hồ Sừng thu hút đông đảo võ sinh tập luyện.
Võ sư Hồ Sỹ chia sẻ: Vào mùa hè, ngoài đứng lớp tại võ đường, tôi còn tổ chức truyền dạy võ cổ truyền tại các điểm lớp ở Trường Tiểu học Võ Xán, Trường THCS Võ Xán, Trường THCS Bùi Thị Xuân và trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung, với hơn 500 võ sinh tham gia tập luyện. Cùng đứng lớp với tôi còn có nhiều võ sư, chuẩn võ sư như Phan Mạnh Hùng, Bùi Trúc Lương Chuẩn, Hồ Đức Hạnh, Hồ Thị Như Ý, Phạm Thúy Quỳnh. Với cách làm này, tôi mong muốn góp phần giữ gìn, phát triển tinh hoa đặc sắc võ cổ truyền Bình Định, việc kế thừa nhờ vậy sẽ liền mạch, liên tục từ thế hệ này sang thế hệ sau, không gián đoạn.
Đã bước qua tuổi 80, Nghệ nhân nhân dân, đại võ sư Lê Xuân Cảnh (SN 1944, ở phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) vẫn cùng học trò là võ sư Trần Thanh Thông miệt mài đứng lớp tập luyện và chỉ dạy miễn phí cho võ sinh. Hơn 40 năm gắn bó với võ cổ truyền, truyền dạy cho biết bao thế hệ học trò những bài binh khí, roi, quyền…, cũng là từng ấy thời gian đại võ sư Lê Xuân Cảnh đã dẫn dắt đội biểu diễn cờ người, trống hội, múa lân thuộc võ đường Lê Xuân Cảnh phục vụ người dân địa phương và du khách vào các dịp lễ hội, tết ở các địa điểm trong tỉnh và ngoài tỉnh như Quảng Ngãi, Gia Lai.
Đại võ sư Lê Xuân Cảnh tâm sự: Tôi mong muốn những việc làm của mình góp phần giữ gìn và quảng bá võ cổ truyền Bình Định đến với nhiều người hơn. Hơn thế nữa, tôi muốn học trò của mình hiểu rõ giá trị của võ cổ truyền Bình Định, từ đó có ý thức gìn giữ và phát huy truyền thống của đất võ quê hương mình.
Võ cổ truyền Bình Định không ngừng phát triển, tạo thành phong trào luyện tập rộng khắp nhờ có sự đóng góp của những người đam mê với võ cổ truyền. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Phong trào rộng khắp
Theo thống kê của Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện có 134 vị đạt cấp võ sư trở lên, 110 chuẩn võ sư, 242 trợ giáo; có 160 lò võ, võ đường, CLB đang hoạt động với hàng nghìn võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên.
Hằng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều hoạt động giúp võ cổ truyền lan tỏa sâu rộng trong đời sống hiện đại như: Đêm võ đài Bình Định, Giải võ cổ truyền các võ đường tranh cúp Hoàng đế Quang Trung… Ngoài ra, nhiều địa phương còn tổ chức các đêm võ đài, hội thi đối kháng võ cổ truyền vào mỗi dịp lễ, tết để giao lưu võ thuật, thu hút nhiều võ đường, CLB trong và ngoài tỉnh tham gia thi đấu. Vừa qua, Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Bình Định năm 2024 đã để lại nhiều dấu ấn, khi lần đầu tiên tổ chức thi đấu nội dung đối kháng môn võ cổ truyền với sự tham gia của 95 VĐV.
Từ tình yêu, niềm say mê với võ cổ truyền của quê hương, nhiều người từ luyện tập võ theo phong trào tiến đến ghi tên mình vào đội tuyển tỉnh, đạt nhiều thành tích khi tham gia các giải trong và ngoài nước. Sau khi giải nghệ, không ít người trong số họ trở về quê hương, mở lớp võ, võ đường, CLB và huấn luyện học trò.
Thành lập từ năm 2005, võ đường Kim Huệ (Tuy Phước) hiện có gần 40 võ sinh tập luyện. Đây là một trong số những nơi đào tạo và giới thiệu nhiều VĐV tài năng võ cổ truyền cho đội tuyển tỉnh. Nhiều học trò của võ sư Kim Huệ như: Trần Thị Tuyết Trinh, Phạm Thị Hồng Nguyên, Võ Lâm Hổ… sau khi kết thúc sự nghiệp VĐV đã thành lập võ đường của riêng mình và tích cực lan tỏa phong trào võ thuật cổ truyền ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Võ sư Kim Huệ tâm sự: Tôi truyền nhiệt huyết, kinh nghiệm của mình đến thế hệ trẻ, cùng các em rèn luyện sức khỏe, kỹ năng tự vệ. Đó cũng là cơ sở để tôi phát hiện, bồi dưỡng các em có tố chất tốt để giới thiệu cho huyện và Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định. Cũng qua việc tập luyện võ cổ truyền, tôi muốn khơi dậy tinh thần thượng võ đến thế hệ trẻ.
Cùng với phong trào tập luyện võ cổ truyền ngày càng phát triển sâu rộng trong quần chúng nhân dân, công tác nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn, phát huy, quảng bá võ cổ truyền Bình Định cũng được triển khai một cách mạnh mẽ. Sự nỗ lực, kiên trì, bền bỉ đóng góp của tập thể võ sư, HLV, võ sinh trong thời gian qua là rất lớn.
Ông Bùi Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Sở VH&TT đang từng bước hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với việc đang thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy võ cổ truyền Bình Định giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, Sở đã có kế hoạch tham mưu tỉnh xây dựng nghị quyết và chính sách hỗ trợ các lò võ, võ đường, CLB đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Kỳ vọng, đây sẽ là cơ sở quan trọng tạo nên cú huých kích thích phong trào phát triển hiệu quả, lan tỏa mạnh mẽ tinh hoa võ cổ truyền Bình Định trong thời gian tới.
KIỀU VY