Hướng tới nền hành chính phục vụ
Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, vì nhân dân phục vụ.
Nỗ lực bứt phá
Đầu tháng 4.2024, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đã tổ chức công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023. Tỉnh Bình Định tăng 19 bậc so với năm 2022, xếp hạng 19/61 tỉnh, thành phố với tổng số điểm 43,5718 điểm. 7/8 chỉ số thành phần trong năm 2023 tăng điểm so với năm 2022. Kết quả chỉ số PAPI có ý nghĩa hết sức quan trọng, phản ánh được thông tin trải nghiệm của người dân khi sử dụng dịch vụ hành chính và mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền tỉnh trong năm qua đã có nhiều bứt phá đáng kể.
Ngày 17.4, tại Hội nghị công bố Chỉ số Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023, tỉnh Bình Định xếp vị thứ 31/63 tỉnh, thành phố về Chỉ số PAR INDEX với số điểm 87,29, tăng 2 bậc so với năm 2022. Đối với Chỉ số SIPAS năm 2023, tỉnh Bình Định tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 1 bậc so với năm 2022, xếp thứ 20 trên bảng xếp hạng với 83,73 điểm.
Trong 8 chỉ số thành phần của Chỉ số PAR INDEX, Bình Định tăng điểm, tăng bậc ở 5 chỉ số. Đặc biệt, chỉ số thành phần Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tăng 18 bậc, xếp vị trí thứ 3 trong nhóm các địa phương dẫn đầu (sau tỉnh Hòa Bình và Hà Nam). Về sự xuất hiện của tỉnh Bình Định - đại diện duy nhất của khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung trong nhóm 5 địa phương có số điểm cao nhất của chỉ số thành phần này, Bộ Nội vụ nhấn mạnh tại báo cáo: Trong năm 2023, Bình Định đã có nhiều tiến bộ trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nhất là giải quyết TTHC; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC gắn kết chặt chẽ với thực hiện chuyển đổi số.
Việc tổ chức triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, những nỗ lực bứt phá về cải cách hành chính trong năm 2023 cũng đã đem về kết quả “Chỉ số phục vụ người dân, DN trong công tác giải quyết hồ sơ TTHC” xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố (đạt 90,74 điểm). Đến ngày 12.3.2024, kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23.6.2022 của Thủ tướng Chính phủ) của tỉnh đạt 80,86 điểm, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Người dân đánh giá mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của nhân viên hướng dẫn, tiếp nhận, trả kết quả TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: N.M
Nâng cao chất lượng phục vụ
Năm 2024, một số đề án, mô hình mới liên quan đến công tác giải quyết TTHC đã được triển khai theo hướng tăng cường trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc chủ động nắm bắt, giải quyết nhu cầu mang tính thiết yếu liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân, DN.
Đầu tháng 3.2024, mô hình “Hành chính phục vụ người dân” được triển khai thí điểm tại nhiều xã, phường, thị trấn. UBND TP Quy Nhơn là địa phương đi đầu triển khai thí điểm mô hình này tại 21/21 đơn vị. Cán bộ địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình trên các kênh thông tin điện tử, mạng xã hội và nhận về những đánh giá tích cực, sự hài lòng của người dân.
Trung tuần tháng 3.2024, công chức Tư pháp - Hộ tịch, công chức Văn hóa - Xã hội phối hợp cùng Đoàn Thanh niên, Hội LHPN phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) đến nhà công dân Lê Văn Diên (48 tuổi, khu phố 1) để hướng dẫn nộp hồ sơ “Thủ tục liên thông về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất, hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí”. Theo ông Diên, việc địa phương kịp thời hỗ trợ gia đình hoàn thành TTHC liên quan đến việc cha ông qua đời và gửi thư chia buồn trực tiếp tại nhà đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền địa phương đối với gia đình công dân trên địa bàn. Việc làm này đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các thành viên gia đình và cộng đồng tại nơi ông sinh sống.
Mô hình “tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC phi địa giới hành chính” được triển khai thí điểm tại Bộ phận Một cửa cấp xã thuộc TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn và huyện Hoài Ân từ giữa tháng 3 đến cuối năm 2024. Đây là mô hình nhằm tiếp tục đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN đến Bộ phận Một cửa cấp xã nơi gần nhất để nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết hồ sơ TTHC gắn với tăng cường xã hội hóa, huy động sự tham gia của DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đối với việc phục vụ người dân, DN thực hiện TTHC.
Vừa qua, đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, UBND TP Quy Nhơn và BHXH tỉnh đã triển khai tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm, giúp người dân chỉ cần đến một đầu mối, tiết kiệm chi phí, thời gian. Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn khẳng định: UBND thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ để thực hiện hiệu quả nhất trong công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN.
“Nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2025, kết quả công tác cải cách hành chính của tỉnh thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước và nhóm 3 địa phương dẫn đầu khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên”, tôi đề nghị người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh phát động mạnh mẽ phong trào thi đua đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với nhiều nội dung đổi mới, sáng tạo, sôi nổi, sâu rộng, thiết thực. Tất cả hướng đến mục tiêu “xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân””.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh LÂM HẢI GIANG
NGUYỄN MUỘI