Ðất trung du vươn mình mạnh mẽ
Hoài Ân - địa phương đầu tiên được giải phóng của tỉnh, đã ghi dấu ấn với bề dày lịch sử đầy ấn tượng: Là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Chàng Lía, là “cái nôi” của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh dũng, lưu giữ nhiều chiến công oanh liệt đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đi qua nhiều thăng trầm, mảnh đất trung du ngày nay đang vươn mình mạnh mẽ…
Phát huy thế mạnh
Sở hữu lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, huyện Hoài Ân xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là “trụ cột” của nền kinh tế.
Một góc trung tâm thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) hôm nay. Ảnh: TRẦN ĐÌNH HÙNG
Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, nhằm phát huy hiệu quả thế mạnh vốn có, toàn huyện đang triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó, chú trọng chuyển giao nhanh các tiến bộ KHKT, quy trình công nghệ cao vào sản xuất gắn với nhân rộng các mô hình hiệu quả; hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình…
“Chúng tôi đã và đang hướng đến nền nông nghiệp an toàn, hữu cơ. Do đó, chủ trương đẩy mạnh các giải pháp trên giúp việc nâng cao năng suất, chất lượng gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ổn định, bền vững”, ông Khúc thông tin thêm.
Cụ thể hơn, Hoài Ân đang tập trung đầu tư cho các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện hiện có gần 4.000 ha cây ăn quả. Trong đó, các vùng chuyên canh có diện tích lớn ở các xã: Ân Hữu, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Hảo Tây, Ân Nghĩa... được đầu tư nhiều tuyến đường điện phục vụ tưới tiêu với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng. Nhiều hộ dân được hỗ trợ thiết bị, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, giải quyết đầu ra sản phẩm, đảm bảo thu nhập...
Cùng với đó, toàn huyện có 1.960 trang trại chăn nuôi và trồng trọt quy mô vừa và nhỏ, 31 trang trại quy mô lớn (trong đó có 5 trang trại chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao); 37 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao: Trầm hương, dầu mè đen và dầu đậu phụng. Nhiều sản phẩm có mặt trên các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu.
Bà Đặng Thị Cẩm Lai, Giám đốc Công ty TNHH DULAH (DN có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là dầu mè đen và dầu đậu phụng), cho hay: “Với sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương cùng các sở, ngành trên nhiều phương diện, 2 sản phẩm trên đã xuất khẩu sang Malaysia, Mỹ. Hiện chúng tôi đã lên kế hoạch mở rộng quy mô nhà máy sản xuất để tiếp tục vươn đến nhiều thị trường khó tính”.
Vươn mình phát triển
Hoài Ân ngày nay mang trên mình diện mạo mới, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường được mở rộng, thảm nhựa, như tuyến đường từ xã Ân Tín đi xã An Hòa (huyện An Lão), tuyến đường từ xã Ân Nghĩa đi xã Bok Tới; cầu Phú Văn nối với TX Hoài Nhơn, cầu Bằng Lăng và hệ thống kè chống xói lở dọc sông Kim Sơn…
Các công trình, điểm vui chơi, tập thể dục phục vụ người dân được đầu tư khang trang. Ảnh: K.A
Thật khó kể hết những đổi thay của Hoài Ân. Chỉ biết rằng, vùng đất này ngày nay không chỉ mang hình ảnh của một miền quê trung du xanh mát mà còn đan xen những màu sắc mới mẻ của nhịp sống hiện đại, sôi động.
Hào hứng cùng người thân tập thể dục buổi sớm ven hồ sinh thái tại Quảng trường 19.4, bà Vũ Thị Tình (SN 1965, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ) chia sẻ: “Ngày trước, khi nơi này chưa được chỉnh trang, tôi chỉ có thể rèn sức khỏe ở nhà. Giờ thì khác rồi, tôi cùng nhiều người khác vừa đạp xe quanh hồ ngắm cảnh, vừa tập thể dục với các dụng cụ công cộng được bố trí sẵn. Không khí quanh hồ mỗi sáng và chiều đông vui, nhộn nhịp hơn hẳn”.
Năm 2017 tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Hoài Ân là 7,7%, tổng thu ngân sách chỉ 61,8 tỷ đồng; đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng đạt 11,66%, tổng thu ngân sách lên đến 178,8 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông - lâm nghiệp chiếm 51,22%; công nghiệp, xây dựng chiếm 21,35% và thương mại - dịch vụ chiếm 27,43%. Trong đó, sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng tập trung, quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước khẳng định giá trị và thương hiệu trên thị trường.
Sự “thay da đổi thịt” của Hoài Ân khiến những người gắn bó với mảnh đất trung du từ lâu không khỏi mừng vui. Ông Bùi Văn Dư, nguyên Bí thư Huyện ủy Hoài Ân, phấn khởi nói: “Hoài Ân những năm gần đây có sự phát triển rõ nét, nhất là về cơ sở hạ tầng, giao thông… đem lại sự hài lòng, phấn khởi cho người dân toàn huyện. Đây cũng là kết quả từ sự chung tay của một thế hệ lãnh đạo đoàn kết, trên dưới đồng lòng”.
Theo bà Nguyễn Đặng Thị Thu Hòa, Bí thư Huyện ủy Hoài Ân, để Hoài Ân ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hoài Ân sẽ tiếp tục phát huy nội lực, đoàn kết nhất trí, tranh thủ sự lãnh đạo, giúp đỡ của tỉnh, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
“Huyện ủy, HĐND, UBND huyện sẽ tiếp tục huy động, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của huyện; hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm...”, bà Hòa khẳng định.
KIỀU ANH - DƯƠNG LINH