Tỏa lan hương vị bánh ít lá gai
Nằm giữa trung tâm thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), xóm bánh ít lá gai với hơn 10 cơ sở hằng ngày miệt mài gìn giữ hương vị truyền thống. Với sự tỉ mẩn, tận tâm cho từng chiếc bánh, đặc biệt nói không với chất bảo quản, bánh ít lá gai nơi đây ngày càng “nới rộng biên độ” khách hàng, chinh phục thị trường đặc sản.
Xóm bánh ít
Theo người dân, cái tên “xóm bánh ít” chẳng biết xuất hiện từ khi nào, nhưng khi gọi tên ai cũng nghĩ ngay đến khu phố Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước - nơi có nhiều hộ dân đang sống với nghề sản xuất, kinh doanh bánh ít lá gai. Khoảng 3 giờ sáng mỗi ngày, xóm bánh ít đã bắt đầu đỏ lửa. Hơn 10 cơ sở với số lượng sản xuất từ 2.000 - 4.000 chiếc bánh/ngày góp phần đưa đặc sản Bình Định đi khắp mọi miền đất nước.
Chị Võ Thị Bích Ngọc (47 tuổi, con dâu bà Dư) hướng dẫn cho người nổi tiếng gói bánh ít lá gai tại chương trình “Chuyến đi nhớ đời”. Ảnh: NVCC
Gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Trang (36 tuổi) có lẽ là hộ sản xuất bánh ít trẻ nhất xóm với 2 năm kinh nghiệm. Theo chị Trang, khoảng 2 - 3 giờ sáng, gia đình chị thức dậy để bắt đầu các công đoạn làm vỏ bánh, nhân bánh và gói bánh. Làm bánh ít lá gai không khó, nhưng để bánh ngon và bảo quản được lâu thì phải thật kỹ càng từng bước nhỏ. Sau 2 năm sống với nghề, chị cũng dần “bỏ túi” được công thức hoàn chỉnh để có chiếc bánh ngon.
“Chiếc bánh nhỏ nhưng trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn lại có một lưu ý riêng. Vì tuổi nghề còn non nên tôi phải học hỏi thêm rất nhiều. Ví dụ như khi xay bột nếp phải dùng nước mát, xả tràn để cối xay không bị nóng làm bột dễ chua. Hay như lúc hơ phần da bánh trên bếp than phải hong đến khi da bánh có độ bóng mới đảm bảo chất lượng và giúp bảo quản bánh tốt hơn”, chị Trang chia sẻ.
Nhắc đến xóm bánh ít ở thị trấn Tuy Phước, bánh ít lá gai Bà Dư có lẽ là cơ sở lâu đời nhất và cũng là nơi truyền nghề cho nhiều hộ dân nơi đây. Hơn 20 năm trước, cơ sở bánh ít Bà Dư bắt đầu hoạt động. Ban đầu bánh của cơ sở Bà Dư chỉ bán ở chợ hoặc bán cho gia đình có đám giỗ và một số mối nhỏ lẻ. Bằng sự miệt mài, chăm chỉ và ngày càng hoàn thiện về chất lượng, bánh ít Bà Dư đã có mặt tại nhiều cửa hàng đặc sản trong và ngoài nước. Nhân công làm cho cơ sở này ngày càng nhiều, từ 2 - 3 người ban đầu đến nay đã có khoảng 15 người. Nhiều người học nghề từ cơ sở của bà và nhân rộng, tạo thành xóm bánh ít.
Những nữ công nhân tại cơ sở bánh ít lá gai Bà Dư. Ảnh: T.K
Bén duyên với nghề tại cơ sở bánh ít lá gai Bà Dư, chị Phan Thị Thủy (40 tuổi) cho biết: “Tôi và mẹ học nghề từ cơ sở bánh ít Bà Dư. Sau đó tôi và mẹ làm để bán ở chợ. Lâu dần bánh của chúng tôi được đón nhận nhiều hơn. Bây giờ mẹ tôi thành lập cơ sở làm chung với em dâu, còn tôi làm riêng. Ở xóm bánh ít này, nhiều người cũng học hỏi từ cơ sở Bà Dư và đưa bánh đi từ cực Nam đến cực Bắc của đất nước. Được giới thiệu một phần phong vị ẩm thực quê hương đến với mọi người là niềm vui, tự hào của chúng tôi”.
Nâng tầm bánh ít lá gai
Với chất lượng, tên tuổi được gầy dựng hơn 20 năm, ngoài là đối tác của nhiều cửa hàng đặc sản trong và ngoài nước, năm 2019, bánh ít lá gai Bà Dư bắt đầu phục vụ du khách trên những chuyến bay. Bà Bùi Thị Xuân Thủy (53 tuổi, con gái bà Dư) cho biết: “Với cửa hàng đặc sản trong nước, chúng tôi giao bánh hằng ngày theo thỏa thuận. Đối với khách và cửa hàng đặc sản ở nước ngoài, sau khi họ chuyển khoản, chúng tôi sẽ giao bánh cho người nhà hoặc người đại diện tại Việt Nam. Hoa Kỳ là quốc gia mà sản phẩm của chúng tôi có mặt nhiều nhất”.
Đối với việc bánh ít mang thương hiệu Bà Dư xuất hiện trên nhiều chuyến bay, bà Thủy chia sẻ: “Chúng tôi rất tự hào về điều này. Hằng ngày vào sáng sớm, chúng tôi sẽ gửi hàng cho chuyến xe hàng không từ Quy Nhơn đến cảng hàng không Phù Cát. Để tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mạo danh thương hiệu, trên mỗi thùng của sản phẩm bánh ít lá gai Bà Dư có dán tem quét mã QR. Quý khách có thể dùng Zalo hay bất kỳ phần mềm nào có tính năng quét mã QR để tra cứu thông tin sản phẩm trên Internet”.
Ngoài góp phần mang hương vị truyền thống Bình Định đến nhiều nơi, xóm bánh ít ở thị trấn Tuy Phước còn là địa điểm để mọi người tìm hiểu về cách làm cũng như những câu chuyện về bánh ít lá gai. Do vậy, nhiều cơ sở của xóm bánh ít cũng dần quen với việc hướng dẫn du khách trải nghiệm.
Một số hướng dẫn viên du lịch tham quan quy trình làm bánh ít lá gai tại cơ sở của chị Nguyễn Thị Thùy Trang. Ảnh: T.K
“Tùy theo thời lượng du khách đưa ra, chúng tôi sẽ có cách hướng dẫn trải nghiệm phù hợp. Nếu thời gian ngắn, chúng tôi sẽ chuẩn bị sẵn da bánh, nhân, lá để mọi người thử gói bánh và nghe giới thiệu về quy trình làm bánh. Còn thời gian nhiều, du khách sẽ cùng chúng tôi làm ra chiếc bánh từ khâu đầu tiên đến khi hoàn thiện. Có nhiều đoàn du khách còn vừa hát bài chòi vừa làm bánh, tạo nên không gian văn hóa rất thú vị”, chị Nguyễn Thị Thùy Trang chia sẻ.
Không đi theo kênh giới thiệu sản phẩm ở cửa hàng đặc sản, cơ sở của chị Trang chuyên cung cấp bánh theo đơn đặt hàng, kết nối với hướng dẫn viên du lịch. Ngày càng có nhiều hướng dẫn viên, đơn vị lữ hành biết đến sản phẩm của chị, xem xét một số điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cũng như khả năng cung cấp sản phẩm và quyết định hợp tác.
Một trong những người chủ động hợp tác với cơ sở của chị Trang, anh Lê Văn Ánh, hướng dẫn viên du lịch tại Bình Định, chia sẻ: “Tôi nhớ rất rõ hương vị bánh ít lá gai truyền thống do bà ngoại tôi làm những dịp lễ, giỗ. Tôi muốn tìm cơ sở làm bánh ít lá gai theo cách truyền thống, gìn giữ được hương vị tự nhiên nhất và không chất bảo quản. Tham dự hội chợ hàng nông sản và tình cờ gặp gian hàng của chị Trang, tôi đã bị hương vị bánh này chinh phục ngay. Sau khi tham quan quy trình làm bánh của chị Trang, chúng tôi quyết định hợp tác lâu dài”.
THẢO KHUY