Ðiện Biên trong trái tim lữ khách
Lâu lắm rồi, tôi mới trở lại Điện Biên. Hồi đầu thế kỷ, tôi may mắn tham gia chuyến đi đặc biệt với nhiều giáo sư của ngành văn hóa dân gian, thuộc thế hệ mà tuổi trẻ của họ ít nhiều có gắn bó trực tiếp hoặc gián tiếp với chiến thắng Điện Biên Phủ, làm cho địa danh này lung linh hơn bằng những ký vãng sinh động.
1. Hồi ấy, lần đầu tôi cùng nhiều vị tiền bối hành hương về miền đất lịch sử lừng danh, quá thú vị với những chuyện trong và ngoài trang sử của GS Trần Quốc Vượng. Hay chuyện của nhạc sĩ Tô Vũ, ông hào hứng kể mình là một trong hai người từng dạy nhạc lý và thực hành đàn piano cho đại tướng Võ Nguyên Giáp những năm 60 của thế kỷ XX, tiếp cận những góc độ khác trong tâm hồn vị tổng tư lệnh trận mạc. Với GS Tô Ngọc Thanh, thân phụ của ông là danh họa Tô Ngọc Vân - người hy sinh ở chiến trường Điện Biên Phủ 1954. Tôi rất xúc động khi xem lại những tác phẩm cuối cùng bằng chì, than, màu nước ký họa những hoạt động quân dân trên đường tham gia chiến dịch như: Bộ đội nghỉ trong hang, Bủ Đương biết đọc, Chuẩn bị đi chợ, May áo, Đốt đuốc đi học, Hai chiến sĩ... của một danh họa từng nổi tiếng với những kiệt tác về thiếu nữ và hoa thời tiền chiến.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
2. Giờ tôi lại lên Điện Biên với thế hệ của mình. Hôm ấy tôi là vị khách thứ 72 của chuyến bay ATR 72, buổi trưa đeo ba lô ra sân bay Nội Bài và hơn tiếng sau có mặt ở sân bay Điện Biên.
Tôi rất quan tâm đến hầm chỉ huy của tướng De Castries. Khu hầm này thật sự là một căn cứ nhỏ khi được xây dựng rất kỳ công, dài 20 m, rộng 8 m, bao gồm 4 gian, là nơi ở, nơi làm việc của tướng De Castries và nhân viên dưới quyền, nó từng được mệnh danh là căn hầm kiên cố nhất Đông Dương đương thời.
Những tấm ghi thép hình vòm làm mái nóc, trên xếp nhiều lượt bao cát và những cây gỗ lớn, khó có loại hỏa lực nào thời điểm đó công phá được. Tuy nhiên, chúng ta thấy, vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 7.5.1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc hầm và tướng De Castries giơ tay đầu hàng, chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc phiêu lưu quân sự của người Pháp ở Điện Biên Phủ.
Toàn bộ diễn biến lịch sử của chiến dịch được thể hiện trên bức tranh panorama 3.225 m2 tái hiện 4.500 nhân vật giữa chiến trận bi tráng 56 ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh. Bức tranh được hơn 200 họa sĩ thực hiện, được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử; Chiến thắng Điện Biên. Hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạch theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem từng ấn tượng trong tổng thể.
3. Nếu hơn hai mươi năm trước, tôi đến Điện Biên là trong hành trình văn hóa dân gian của các chuyên gia, sống với thực thể của các đối tượng sử học, dân tộc học, khảo cổ học, văn hóa học…, thì ngày nay lại đến trong hành trình cùng đồng nghiệp quản lý nhà nước trên các lĩnh vực KT-XH, hành trình công vụ của công chức hành chính.
Thuyết minh viên của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giới thiệu về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” thông qua bức tranh panorama tái hiện lại toàn cảnh trận đại thắng. Ảnh tư liệu
Các đồng nghiệp sở tại nói rằng, Điện Biên phát triển theo mô hình cấu trúc không gian 4 trục động lực - 3 vùng kinh tế - 4 cực tăng trưởng.
Bốn trục động lực gồm trục kinh tế động lực theo QL 279, tuyến cao tốc Điện Biên - Sơn La - Hà Nội, gắn với cảng hàng không Điện Biên là trục động lực chính quan trọng của toàn vùng, tạo sự kết nối mạnh mẽ, thông suốt giữa Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc, vùng trung du miền núi phía Bắc cũng như sang nước bạn Lào thông qua cửa khẩu Tây Trang, cửa khẩu Huổi Puốc. Trục phát triển kinh tế dọc theo QL 12 kết nối khu vực phía Bắc với khu vực phía Nam tỉnh và cũng kết nối sang Lào thông qua cửa khẩu Huổi Puốc, cửa khẩu Tây Trang. Trục phát triển kinh tế dọc theo QL 6 kết nối TX Mường Lay với khu vực huyện Tuần Giáo và các tỉnh, thành phố phía Đông Nam (Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội). Trục phát triển kinh tế dọc theo QL 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh. Tất nhiên, một vùng đất mà nghe tên là dậy lên những cảm xúc lịch sử, nơi thu hút mạnh mẽ bước chân du khách trong nước cũng như quốc tế, hẳn luôn tư duy và tầm nhìn xa rộng cho tương lai mảnh đất với con người.
Thời gian không nhiều nhưng đủ cho những trao đổi nghiệp vụ như chuyển đổi số, một thuật ngữ được định nghĩa là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số, vài nét tâm sự của khách và chủ khi ngồi nâng ly rượu với cá bống suối hoa chuối rừng. Cái món lam bắp bi hoa chuối bao tử, cá suối đuôi hồng, những loại gia vị, rau thơm như mùi tây, rau húng, tía tô, lá mắc mật, lá nhội, hạt mắc kén, hạt dổi… cộng với rượu Mông Pê Tủa Chùa và sau đó, tiệc chè Tuyết San như mở ra tấm lòng hiếu khách của người sở tại.
Đêm chè Tuyết San nghe từng cánh hoa ban, hoa mận, hoa đào bản địa trong mùa xuân này trò chuyện rủ rỉ với khách phương xa về Điện Biên đa sắc thái, những Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao Quần Chẹt; Lễ mừng cơm mới dân tộc Si La; Hội mừng mưa rơi của dân tộc Khơ Mú; Lễ hội Hạn Khuống của dân tộc Thái… Điện Biên gói trong lòng những cái tên thiên nhiên và lịch sử như Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, Pha Đin, Lũng Lô, A Pa Chải, Phù Lồng, Nậm Rốm… hẳn đầy nội lực, sức gợi trong tâm thức cộng đồng bản địa cũng như du khách.
Nó gói trong lòng những đèo dốc, suối sông, núi rừng, những mùa hoa ban, nhan sắc và hương thơm Tây Bắc ngàn trùng và dậy trên môi lữ khách những quý mến gụi gần và diệu vợi…
NGUYỄN THANH MỪNG