Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành: Tỏa sáng giữa lòng phố biển Quy Nhơn
Năm nay là kỷ niệm 115 năm chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến Bình Định (1909 - 2024). Ghi dấu sự kiện lịch sử này, năm 2017 tỉnh ta đã xây dựng Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành tại TP Quy Nhơn. Hơn 7 năm qua, Tượng đài ngày càng khẳng định giá trị lịch sử đặc biệt giữa lòng phố biển thân thương…
Đoàn công tác đặc biệt và hành trình chưa từng có
Dẫn đầu đoàn công tác đặc biệt rước tượng Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành từ Hà Nội về Quy Nhơn là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng (nay đã nghỉ hưu) và Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (nay là Bí thư Tỉnh ủy), cùng sự tham gia của nhiều đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Cán bộ, đoàn viên công đoàn đồng diễn trước Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành chào mừng Đại hội Công đoàn tỉnh Bình Định lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Trong 5 ngày (từ 24 - 28.3.2017), đoàn rước tượng bằng ô tô vượt qua hơn 1.000 km với tất cả sự kính cẩn và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đoàn đã đến thăm viếng nhiều địa điểm ý nghĩa gắn liền với Bác. Đầu tiên là Khu di tích K9 (huyện Ba Vì, TP Hà Nội), nơi Bác Hồ và Bộ Chính trị từng họp bàn nhiều vấn đề trọng đại của đất nước, sau đó cũng là địa điểm giữ gìn thi hài Bác trong những năm tháng chiến tranh.
Nhiều lãnh đạo, cán bộ Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (quản lý Khu di tích K9) xúc động khi nghe đồng chí Nguyễn Thanh Tùng kể về Bình Định là nơi ghi dấu cuộc gặp gỡ, chia tay lịch sử và không bao giờ gặp lại giữa cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và con trai Nguyễn Tất Thành. Đây là cơ sở để tỉnh Bình Định xây dựng công trình đặc biệt mà không nơi nào có được.
Trong đêm chuẩn bị vận chuyển hai tượng rời thủ đô Hà Nội, đoàn công tác đến khu vực Quảng trường Ba Đình, kính cẩn nghiêng mình hướng về phía trước Lăng Bác, thành tâm báo cáo Bác về hành trình rước tượng sắp bắt đầu.
Từ Hà Nội về đến Nghệ An, đoàn công tác đến viếng Di tích quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên. Hai xe chở tượng cũng đậu tại sân khu di tích, như sự “trở về” tại nơi vùng đất quê hương của hai cha con Bác. Tại đây, lãnh đạo tỉnh Bình Định trao tặng lãnh đạo tỉnh Nghệ An mẫu tượng đài (chất liệu đồng) Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành; lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao tặng lãnh đạo tỉnh Bình Định hộp đựng đất, bình đựng nước lấy từ hai quê nội, ngoại của Bác Hồ.
Kết thúc hành trình, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Giờ (nay là Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) chia sẻ: “Chưa lần nào tôi có nhiều cảm xúc dâng trào như lần này. Đây là chuyến công tác đặc biệt, thể hiện tình cảm kính trọng sâu sắc với Bác và trách nhiệm của đoàn công tác thay mặt Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bình Định để rước tượng…”.
“Đất và nước” rất ý nghĩa nêu trên được đoàn công tác đưa về đặt trên bàn thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc (Di tích Huyện đường Bình Khê, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn). Dâng hương bàn thờ, Bí thư Nguyễn Thanh Tùng khấn: “Chúng con đã xin đất và nước tại quê hương Nam Đàn - Nghệ An, xin phép được hòa cùng đất và nước của tỉnh Bình Định ngay dưới chân tượng đài...”.
Đất và nước ở quê Bác sau đó đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng kính cẩn đặt vào trong bệ Tượng đài bằng bê tông trước khi ép đồng bên ngoài mặt bệ.
Nơi “về nguồn” trong lòng phố biển
Khu vực trước Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành là nơi tổ chức hầu hết các sự kiện lớn ngoài trời của tỉnh, từ chính trị, xã hội, đến văn hóa nghệ thuật, thể thao... nên thu hút rất đông người đến tham dự.
Những năm qua, đã có nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh đến dâng hoa Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Nhiều tổ chức chính trị - xã hội, sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, trường học cũng đã tổ chức “về nguồn” gắn với các hoạt động ý nghĩa tại đây. Như trong khuôn khổ chương trình Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2023 - 2028, LĐLĐ tỉnh tổ chức đồng diễn chào mừng và đưa đoàn đại biểu tham dự Đại hội dâng hoa, báo công tại Tượng đài.
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2024), Đoàn phường Lý Thường Kiệt tổ chức lễ kết nạp cho 64 đoàn viên mới tại Tượng đài. Phó Bí thư Đoàn phường Lý Thường Kiệt Châu Quang Thịnh chia sẻ: “Bác Hồ sinh thời rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Việc tổ chức kết nạp đoàn viên mới tại khu vực Tượng đài càng tăng sự trang trọng, ý nghĩa, tạo ấn tượng đáng nhớ cho các đoàn viên. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, hướng đoàn viên mới học hỏi lý tưởng cao đẹp vì đất nước, nhân dân của Bác từ thời trẻ”.
Cùng với đó, nhiều công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đã chọn Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành là “điểm nhấn” cho tour tham quan Quy Nhơn - Bình Định, như Công ty TNHH Du lịch & Tổ chức sự kiện Phú Yên (Tattravel) với lời giới thiệu: “Đây là tượng đài đầu tiên trong cả nước về Bác Hồ và thân phụ của Người. Tượng đài là công trình lịch sử - văn hóa có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó, hòa quyện giữa tình phụ tử với tình yêu quê hương, đất nước”.
Vào mỗi chiều tối hằng ngày, đi qua khu vực Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành có thể thấy rõ công trình ý nghĩa này đã trở thành điểm đến thu hút nhiều người dân, du khách.
Anh Võ Tín Nghĩa (35 tuổi, ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn) cho hay: “Mỗi tuần tôi có 1 - 2 buổi tối chở vợ cùng hai con nhỏ đến dạo chơi ở khu vực Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành. Ngoài lý do khu vực Tượng đài luôn thoáng mát, sạch đẹp, tôi còn muốn con mình cảm thấy gần gũi, quen thuộc với những hình ảnh tốt đẹp về Bác Hồ trên quê hương Bình Định”.
MAI THƯ