Về với Ðiện Biên
Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024), từ ngày 26.3 - 2.4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) phối hợp các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên tổ chức Hội thi tuyên truyền lưu động với chủ đề “Về với Điện Biên”. Cùng 36 đội tuyên truyền lưu động của các tỉnh bạn trong cả nước, Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định đã để lại dấu ấn sâu đậm tại Hội thi.
Bám sát nội dung và chủ đề “Về với Điện Biên”, các tiết mục dự thi đều mang ý nghĩa khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại cũng như ý nghĩa to lớn, sâu sắc của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; khắc họa những thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh đã đạt được của đất nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng trong 70 năm qua.
Lắng đọng nhiều cảm xúc
Các tiết mục dự thi của Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Bình Định được Trung tâm Văn hóa tỉnh đầu tư dàn dựng công phu, phong phú về thể loại, từ hát, múa, độc tấu nhạc cụ, có nội dung ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, ca ngợi Bác Hồ vĩ đại, đại tướng Võ Nguyên Giáp, ca ngợi Tổ quốc Việt Nam và quê hương Bình Định… Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu của Bình Định đã mang đến Hội thi không khí sôi động, hào hùng và để lại dấu ấn riêng, sâu đậm.
Tiết mục dân ca bài chòi Về Điện Biên cùng em đạt HCV tại Hội thi. Ảnh: MINH TUẤN
Chia sẻ về việc lên ý tưởng, dàn dựng các tiết mục minh họa cho chương trình dự thi, biên đạo múa Châu Mi - chuyên viên Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Trung tâm Văn hóa tỉnh), xúc động tâm tình: “Lấy cảm hứng từ những ngày tháng cam go, ác liệt thời kháng chiến chống Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, cùng hình ảnh hoa ban tượng trưng núi rừng Điện Biên, tôi dàn dựng, chuyển tải trong tiết mục hát múa Về với Điện Biên, Tình ca Điện Biên và dân ca bài chòi Về Điện Biên cùng em mang đến Hội thi. Đây là niềm tự hào với lịch sử dân tộc, tình cảm của những người con đất Võ, trời Văn hòa quyện trong tinh thần yêu nước của toàn dân tộc”.
Hội thi kết thúc, nhưng những cảm xúc vẫn còn đọng lại trong lòng mỗi “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” xứ Nẫu. Với vai trò trưởng đoàn, vừa là diễn viên tham gia Hội thi, anh Đặng Hiếu Thành, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Trung tâm Văn hóa tỉnh), chia sẻ: “Do điều kiện xa xôi, cách trở, đơn vị đã chọn ra 16 ca sĩ, diễn viên để tập luyện trong một tháng để tham gia Hội thi. Khi ra đến nơi, chứng kiến thực tế so với các tỉnh bạn, mới thấy lực lượng của Đội thông tin lưu động tỉnh Bình Định rất mỏng. Chính vì thế nên chúng tôi nỗ lực gấp 2 - 3 lần và kết quả đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khán giả, cũng như các đội bạn; trong 5 tiết mục dự thi, có 3 tiết mục đạt HCV, HCB. Niềm vui hơn nữa với chúng tôi là được giao lưu với các đội bạn để chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền lưu động”.
Tự hào lịch sử đất nước
Dù không tham gia trực tiếp, nhưng khi nhắc đến Hội thi, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú vẫn thấy lâng lâng cảm giác vui mừng khó tả khi tiết mục dân ca bài chòi Về Điện Biên cùng em do anh biên soạn đặt lời mới đã xuất sắc giành HCV tại Hội thi.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú chia sẻ: “Khi nhận được lời mời của Trung tâm Văn hóa tỉnh biên soạn một tiết mục dân ca bài chòi vừa để quảng bá nét văn hóa riêng của Bình Định, vừa thể hiện chủ đề Hội thi, sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi viết nên tác phẩm dân ca bài chòi đáp ứng tiêu chí ấy. Tác phẩm này, tôi viết như kể lại một câu chuyện của những chàng trai Bình Định lần đầu đặt chân lên mảnh đất Điện Biên gặp các cô gái Tây Bắc để nghe kể về những tấm gương anh hùng của cha ông trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước, về niềm tự hào quê hương phát triển…”.
Ca sĩ, diễn viên Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Bình Định chụp ảnh lưu niệm về nguồn tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: MINH TUẤN
Chuyến hành trình để đến các điểm diễn, băng qua những cung đường quanh co hiểm trở, những dãy núi trùng điệp vùng Tây Bắc đã để lại nhiều cảm xúc cho các thành viên Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Bình Định.
10 năm trước, có dịp về Điện Biên và bây giờ trở lại, anh Nguyễn Minh Tuấn, Phó trưởng Phòng Hành chính tổng hợp (Trung tâm Văn hóa tỉnh) thật sự xúc động khi nơi đây đã đổi thay, phát triển hơn, thêm niềm tự hào về bản hùng ca chiến thắng Điện Biên Phủ.
Kết quả Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Bình Định đoạt 1 HCV tiết mục Về Điện Biên cùng em (biên soạn đặt lời mới: Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú; hòa âm diễn tấu: Kim Vân; biên đạo Châu Mi); 2 HCB tiết mục hát, múa Về với Điện Biên (sáng tác: Trần Long Ẩn; hòa âm: Kim Vân; biên đạo: Châu Mi) và Đường lên phía trước (sáng tác: Lê Hữu Trác).
Anh Tuấn tâm tình: “Ngoài thời gian biểu diễn, chúng tôi còn có chuyến về nguồn rất ý nghĩa, được ghé thăm Quảng trường Tây Bắc và dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ - nơi cách đây 65 năm đồng bào dân tộc Tây Bắc nói chung, đồng bào các dân tộc Thuận Châu (Sơn La) nói riêng, đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và nói chuyện nhân kỷ niệm 5 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; tham quan các di tích ở Điện Biên, như: Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đồi A1, Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Mọi người trong đoàn ai cũng xúc động không cầm được nước mắt khi xem bức tranh toàn cảnh tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”.
Nhạc sĩ Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: Tham gia Hội thi vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa là cơ hội để chúng tôi nâng cao chất lượng hoạt động thông tin lưu động phục vụ nhân dân. Với thế mạnh về dân ca, bài chòi, ở những Hội thi, chúng tôi đều có dàn dựng các tiết mục này để biểu diễn, cũng là cách quảng bá và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương Bình Định.
ĐOAN NGỌC - MINH TUẤN