Sức bật từ những vùng đất khó
Sau gần 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, nhiều vùng đất trước kia từng là căn cứ địa cách mạng, chiến trường ác liệt đã vươn mình mạnh mẽ với diện mạo nông thôn đổi mới, hiện đại.
Khu Đông Tuy Phước vươn mình
Nằm dọc tuyến tỉnh lộ 640 và được đầm Thị Nại bao bọc ở phía Đông, các xã khu Đông của huyện Tuy Phước có điều kiện thuận lợi phát triển dịch vụ, buôn bán và nuôi trồng thủy sản. Hình ảnh khu Đông “chín áo một quần” giờ đã là dĩ vãng. Thay vào đó, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, các tuyến đường từ trung tâm xã về thôn, xóm được bê tông, nhựa hóa 100%, tạo thuận lợi, an toàn cho người dân đi lại và lưu thông hàng hóa. Những khu dân cư mới và các chợ nông thôn khang trang, hiện đại được hình thành, tấp nập người mua, kẻ bán.
Những ngôi nhà cao tầng, khang trang mọc lên ngày càng nhiều tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Ảnh: V.L
Ông Phan Thế Khoa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, phấn khởi: Kinh tế địa phương không ngừng tăng trưởng, khởi sắc. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,92% (giảm 0,61% so với năm 2022 theo tiêu chí đa chiều). Chính quyền và người dân địa phương đang chung tay nỗ lực để đưa xã về đích nông thôn mới (NTM) nâng cao trong thời gian tới.
Tại Phước Sơn và Phước Hòa, từ khu vực trung tâm xã đến các vùng thôn, xóm, những căn nhà cao tầng, khang trang không ngừng mọc lên. Hình ảnh “phố trong làng” với các khu dịch vụ, thương mại nhộn nhịp tại Gò Bồi (xã Phước Hòa) và Kỳ Sơn (xã Phước Sơn) trở nên quen thuộc với người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thọ, ở thôn Kỳ Sơn, chia sẻ: “Đời sống người dân giờ khác xưa nhiều lắm. Điện, đường, trường học, y tế, văn hóa... ngày một đủ đầy, tiện nghi và hiện đại. Nhờ NTM, rồi NTM nâng cao đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống người dân”.
“Xã Phước Sơn được huyện Tuy Phước định hướng xây dựng trở thành khu kinh tế, du lịch trọng điểm của huyện. Cùng với đó, nhân dân trong xã đồng lòng, chung sức xây dựng NTM, NTM nâng cao nên kinh tế địa phương không ngừng tăng trưởng tích cực. Xã đang phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại V trước năm 2025”, ông Tôn Kỳ Hải, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho hay.
Còn theo ông Huỳnh Thanh Vương, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, năm 2021, Phước Hòa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn đô thị loại V, trước 4 năm so với kế hoạch đề ra. Đây là thành quả đến từ việc chính quyền và người dân địa phương không ngừng nỗ lực, chung tay đóng góp.
Xã Phước Hòa đã và đang chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để xứng tầm đô thị loại V. Đặc biệt, Đề án phát triển làng nghề trồng hoa Bình Lâm gắn với du lịch hứa hẹn mang đến diện mạo mới về hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang và phát triển đô thị tại địa phương.
Vùng đất cát “nở hoa”
Những ngày cuối tháng 4.2024, xuôi theo tuyến ĐT 634 và đường phía Tây tỉnh qua địa phận các xã Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Sơn (huyện Phù Cát), nơi đâu chúng tôi cũng cảm nhận được những gam màu tươi sáng, trù phú. Ít ai biết rằng, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, hậu quả chiến tranh để lại nặng nề khiến chính quyền và người dân các xã Cát Sơn, Cát Hiệp, Cát Lâm phải đổ nhiều mồ hôi, nước mắt và cả máu để xây dựng lại quê hương. Thậm chí cách đây chừng 20 năm, vùng đất này vẫn còn cằn cỗi với trảng cát nối tiếp trảng cát mênh mông.
Hoạt động sản xuất được cơ giới hóa, giúp người dân xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát đỡ vất vả, tăng năng suất lao động. Ảnh: V.L
Ông Nguyễn Tôn Hiến, Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp, hồi tưởng: Sau năm 1975, địa phương gặp vô vàn khó khăn. Đến tháng 1.1984, xã Cát Hiệp được chia tách thành xã Cát Hiệp và Cát Lâm, những khó khăn mà chính quyền và nhân dân hai xã phải đối diện không hề giảm. Thế nhưng, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân hai địa phương không hề sờn lòng mà càng hăng say lao động sản xuất, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh. Khoảng 5 năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế của xã Cát Hiệp, Cát Lâm chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Năm 2023, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của xã Cát Hiệp ước đạt hơn 710,6 tỷ đồng; tổng thu ngân sách hơn 30,3 tỷ đồng; thu nhập đầu người hơn 57 triệu đồng/người/năm. Cát Lâm cũng bám sát theo khi năm 2023 ước đạt hơn 512,6 tỷ đồng về tổng sản phẩm địa phương; tổng thu ngân sách xã hơn 14,6 tỷ đồng; thu nhập đầu người hơn 51 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Cát Lâm, tâm sự: “Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, người dân Cát Lâm còn thường xuyên thiếu lương thực, phải chạy ăn từng bữa. Nay thì bà con đã có của ăn, của để và không chỉ ăn no, mặc ấm mà còn tiến dần đến ăn ngon, mặc đẹp”.
Điều đáng ghi nhận nữa là cơ sở hạ tầng nông thôn ở các xã Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hiệp được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn chỉnh. Những tuyến đường bê tông thẳng tắp trải dài; hệ thống đường liên thôn, xóm hầu hết đã bê tông hóa; điện lưới phủ khắp đến từng nhà. Hệ thống thủy lợi, kênh mương được đầu tư khép kín; các điểm trường học, trạm y tế, chợ xây dựng khang trang, tạo ra sức sống mới ở vùng đất trước kia được ví von là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Theo ông Phan Đông Luật, Chủ tịch UBND xã Cát Sơn, so với các địa phương khác của huyện Phù Cát, Cát Sơn còn nhiều khó khăn. Nhưng không vì thế mà lãnh đạo xã tự ti, hay ỷ lại cấp trên. Địa phương không ngừng phát huy nội lực, tìm hướng đi mới, vận động người dân nỗ lực xây dựng kinh tế để “vươn mình lớn dậy”; xứng đáng với truyền thống lịch sử một thời gian khổ mà hào hùng.
VĂN LỰC