GS.TSKH Vũ Minh Giang: Làm “sống lại” di sản văn hóa để khai thác giá trị
Trong chuyến về Bình Định dự Hội thảo khoa học “Thành Hoàng Đế trong tiến trình lịch sử Việt Nam” cuối năm 2023, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, đã có cuộc trò chuyện ngắn với Báo Bình Định xoay quanh việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Bình Định, phục vụ các mục tiêu phát triển KT-XH.
• Thưa ông, nếu cần có một đánh giá khái quát về tài nguyên văn hóa của Bình Định, ông sẽ nói gì?
- Điều tôi tâm đắc là Bình Định có kho tàng di sản văn hóa dồi dào, cũng là vùng trầm tích của nhiều nền văn hóa.
Trước hết, tôi nhắc đến lịch sử nơi đây là đại bản doanh, căn cứ địa của phong trào Tây Sơn - có thể nói là vĩ đại trong lịch sử Việt Nam, đã làm nên sự nghiệp lớn, đó là lật đổ những thế lực phong kiến cản trở bước tiến của lịch sử Lê, Trịnh, Nguyễn, đánh thắng 2 đạo quân xâm lược: Xiêm ở phía Nam, Thanh ở phía Bắc, tạo tiền đề cho đất nước thống nhất sau hơn 2 thế kỷ bị chia cắt, gắn với công tích lẫy lừng của người anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung.
GS.TSKH Vũ Minh Giang (thứ 3 từ trái sang) trò chuyện với các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong chuyến công tác về Bình Định cuối năm 2023. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cụ thể, thành Hoàng Đế (nay thuộc TX An Nhơn) trong lịch sử từng là kinh đô Vijaya của vương quốc Champa với tên gọi thành Đồ Bàn; dưới vương triều Trung ương Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc có tên gọi là thành Hoàng Đế - từng là đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn trong buổi đầu khởi nghĩa, là kinh đô của Trung ương Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc, giữ một vai trò quan trọng trong phong trào nông dân Tây Sơn cũng như những năm tháng cuối cùng của vương triều Tây Sơn. Đây là di tích mang tính kế thừa, đan xen nhiều lớp kiến trúc khác nhau, từ vương triều Champa thế kỷ XI - XV đến thời Tây Sơn trong những năm 1776 - 1802, rồi đến nhà Nguyễn từ năm 1802 về sau.
Như vậy, Bình Định có nhiều lợi thế với nguồn tài nguyên di sản văn hóa rất đáng trân trọng để nghiên cứu và khai thác giá trị của cả nền văn minh Champa lẫn thời kỳ lịch sử Tây Sơn, để xây dựng thương hiệu các sản phẩm văn hóa này phục vụ du lịch xứng tầm với giá trị của nó.
• Tỉnh Bình Định đang định hướng bảo tồn, nâng tầm, phát huy giá trị di sản thành Hoàng Đế. Theo ông, tỉnh cần làm những gì?
- Tôi từng đến tham quan quần thể di tích đền Angkor Wat nằm tại tỉnh Siem Riep của đất nước Campuchia, không chỉ ấn tượng với kiến trúc đền Angkor Wat mà còn thích thú khi tham quan bảo tàng được xây dựng trong khu di tích này mô tả lại quá trình người xưa xây dựng đền, cảnh những đàn voi kéo đá xây đền, cùng thời kỳ hưng thịnh nhất của kinh đô Angkor Wat…
Ở trong nước, khi đến Hội An (tỉnh Quảng Nam) xem sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An tái hiện lễ cưới của Huyền Trân công chúa cũng rất hay.
Kể ra để ta có thể hình dung, Bình Định cũng có thể khai thác giá trị di tích thành Hoàng Đế tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Bởi thành Hoàng Đế từng là kinh đô vương quốc Champa, sau là kinh đô dưới vương triều Trung ương Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc, rồi trải qua thời kỳ có những lúc bị hoang phế, nên tòa thành này có rất nhiều di vật đã bị dịch chuyển đi nơi khác. Theo tôi, cần có những nghiên cứu công phu tìm hiểu tất cả những gì liên quan tới tòa thành này trong tiến trình lịch sử, để làm hồ sơ và những tư liệu có thể phục dựng dưới dạng 3D.
Thêm nữa, quan hệ giữa hai dân tộc Champa và Đại Việt trong lịch sử rất là hay, khi Đại Việt giúp Champa tổ chức cuộc kháng chiến chống lại quân Nguyên thắng lợi vào năm 1285, rồi sự kiện vua Trần Nhân Tông vào Champa gặp vua Chế Mân thì gặp ở đâu… Có nhiều tư liệu cho thấy là cuộc gặp lịch sử này diễn ra tại kinh đô Vijaya, cũng cần nghiên cứu để mang lại những nhận thức mới về khoa học.
Sau này, Bình Định cũng có thể xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa bằng những vở diễn sân khấu thực cảnh, tái hiện toàn diện những gì đặc sắc nhất của Bình Định tại thành Hoàng Đế, tôi tin rằng khi làm “sống” lại di tích này, cũng như nhiều di sản văn hóa khác ở Bình Định, sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch văn hóa cực kỳ hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, mang dấu ấn riêng của miền đất “thượng Võ, tôn Văn”.
• Vậy Bình Định cần có giải pháp nào để bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch văn hóa, thưa ông?
- Gần đây Đảng, Nhà nước có rất nhiều quan điểm mới tích cực và có thể nói là đi tiên phong, đó là “văn hóa sẽ trở thành nguồn lực”, “di sản sẽ trở thành tài nguyên”, tất cả những yếu tố đó có thể khai thác để phục vụ cho sự nghiệp phát triển của địa phương.
Được xem là địa phương mà tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú, thế thì việc trước tiên, Bình Định cần làm là lượng giá xem trên đất của mình có những di sản nào. Lượng giá ở đây không phải kiểm kê theo kiểu bảo tàng là toàn tỉnh có bao nhiêu di tích được xếp hạng đâu nhé! Đó là cách làm rất là phổ thông, còn lượng giá tôi nói đến là ở góc độ văn hóa học và di sản học. Cụ thể là chúng ta phải biết được di sản văn hóa nào có thể làm được việc gì, trên cơ sở đó mới ưu tiên đầu tư, chứ không phải làm được tất cả đâu. Nói nôm na, Bình Định lượng giá xem “trong túi mình có những cái gì, đem cái gì ra dùng, dùng vào lúc nào”, đấy là công việc đầu tiên.
Tiếp đến là phân loại xem những di sản nào có thể khai thác được ngay để phục vụ du lịch theo hướng “lấy di sản nuôi di sản”. Việc khai thác được ngay di sản phải đảm bảo nhận thức khoa học của di sản tương đối đủ, hợp với chủ trương, định hướng của tỉnh. Cùng với đó, Bình Định cũng nên tính đến việc xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư “bắt tay” với tỉnh cùng hợp tác để tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc. Tôi tin nếu làm được những việc đó, bộ mặt phát triển di sản văn hóa, cũng như thương hiệu du lịch văn hóa của Bình Định sẽ nâng tầm được trong tương lai.
• Xin cảm ơn ông!
GS.TSKH Vũ Minh Giang (SN 1951, quê Hải Phòng) là tiến sĩ khoa học chuyên ngành lịch sử Việt Nam, Trường ĐH Quốc gia Moscow (Lomonosov, Liên Xô cũ); được bổ nhiệm chức danh giáo sư năm 2002.
Ông có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã công bố; trong đó, có một số công trình nghiên cứu về lịch sử Bình Định, như: Đồn lũy trên đất Tây Sơn (Tạp chí Khảo cổ học năm 1977); Vị trí của phong trào Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam (tiếng Anh, đăng trên Kỷ yếu hội nghị Quốc tế IAHA lần thứ 13 tại Tokyo, Nhật Bản năm 1994)…
ÐOAN NGỌC (Thực hiện)