KỶ NIỆM 115 NĂM SỰ KIỆN NGUYỄN TẤT THÀNH ĐẾN BÌNH ĐỊNH (1909 - 2024):
Lưu dấu chân Người
Tại Bảo tàng tỉnh (26 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn) có phòng trưng bày trang trọng về “Nhân dân Bình Định với Bác Hồ, Bác Hồ với nhân dân Bình Định”, lưu giữ nhiều hiện vật rất ý nghĩa về quãng thời gian Nguyễn Tất Thành ở Bình Định.
Tưởng nhớ Người
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, sự đặc biệt của phòng trưng bày trên xuất phát từ tỉnh Bình Định vinh dự là một trong những điểm dừng chân của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Khoảng trung tuần tháng 5.1909, Nguyễn Tất Thành vào Bình Định, đến khoảng tháng 8.1910 mới rời Bình Định vào Phan Thiết (Bình Thuận)…
Hình ảnh Bác Hồ được nhân dân xã Hoài Châu (TX Hoài Nhơn) triển lãm nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.1965) trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: H.THU
Ông Bùi Tĩnh cho biết: Với dấu ấn lịch sử quan trọng này, năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Bảo tàng Cách mạng Việt Nam xây dựng phòng trưng bày nêu trên. Ngoài những tư liệu hiện vật khái quát cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn đặc biệt chú trọng trưng bày thể hiện tình cảm qua những tư liệu, kỷ vật Bác dành tặng cho những người con Bình Định có dịp được gặp, làm việc với Bác, cùng những kỷ vật, tư liệu thể hiện tình cảm của nhân dân Bình Định đối với Bác.
Một trong những điểm nhấn của phòng trưng bày này là các tài liệu nghiên cứu về khoảng thời gian Nguyễn Tất Thành ở Bình Định. Đặc biệt là kỷ yếu Hội thảo khoa học “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” do Tỉnh ủy phối hợp tổ chức năm 2009, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Nguyễn Tất Thành đến Bình Định.
Tập kỷ yếu Hội thảo được Tỉnh ủy phát hành năm 2010, tổng hợp nhiều bài tham luận có giá trị của nhiều nhà nghiên cứu trong cả nước đã phân tích, làm rõ về bối cảnh, thời điểm, việc học tập và những hoạt động, nơi dừng chân của Nguyễn Tất Thành trong thời gian ở Bình Định. Qua đó, có sự thống nhất, đánh giá cao “cột mốc” Nguyễn Tất Thành hơn một năm sống tại Bình Định. Truyền thống văn hóa - lịch sử của vùng đất, con người Bình Định đã tạo dấu ấn quan trọng, góp phần vào quá trình hình thành tư tưởng, ý chí ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ được đầu tư xây dựng khang trang, trưng bày đẹp hơn tại địa điểm mới (tại địa điểm Nhà Văn hóa Lao động tỉnh hiện nay). Sở VH&TT đã xây dựng dự thảo đề cương trưng bày tổng quát Bảo tàng tỉnh mới, một trong những nội dung trưng bày trọng tâm sẽ nêu bật được tư tưởng chủ đạo “Nhân dân Bình Định luôn nhớ về Người. Niềm tự hào về những tháng ngày Nguyễn Tất Thành ở Bình Định luôn là nguồn động viên, là sức mạnh tinh thần to lớn để Đảng bộ, quân và dân Bình Định ra sức thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.
Chiếc áo choàng là chiến lợi phẩm thu của địch trong chiến dịch Đông Khê năm 1950 được Bác Hồ tặng cho đồng chí Huỳnh Đăng Thơ (người sáng lập Chi bộ Hồng Lĩnh). Ảnh: H.THU
Theo đó, có sự đổi mới, tập trung nhiều hơn về nội dung: “Bình Định trong hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành”. Ông Bùi Tĩnh cho biết: Trong phần nội dung quan trọng này sẽ có những hình ảnh, hiện vật liên quan đến thời gian Nguyễn Tất Thành và cha sống tại Bình Định. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm làm tri huyện Bình Khê, còn con trai Nguyễn Tất Thành sống và học tiếng Pháp tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (lúc đó là trợ giáo của Trường Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn).
Cùng với đó là những thông tin, câu chuyện về Nguyễn Tất Thành có lần lên huyện Bình Khê thăm cha, được nghe kể về những tấm gương yêu nước, kiên trung đi đầu trong phong trào đấu tranh chống thuế ở Trung kỳ…
Tiết học lịch sử ý nghĩa
Từ năm 2017 - 2018, thực hiện chương trình phối hợp giữa Bảo tàng tỉnh và các đơn vị liên quan, đã có hơn 100 tiết học lịch sử tại Bảo tàng tỉnh cho học sinh tiểu học, THCS tại TP Quy Nhơn và một số trường ở các huyện trong tỉnh. Trong số này có nhiều tiết học diễn ra tại phòng trưng bày “Nhân dân Bình Định với Bác Hồ, Bác Hồ với nhân dân Bình Định”.
Sau đó, dù không có các chương trình phối hợp, nhưng nhiều trường học đã thấy được ý nghĩa của tiết học lịch sử tại Bảo tàng tỉnh nên đã chủ động liên hệ đưa học sinh tới đây nhờ tổ chức tiết học lịch sử, hoặc thông qua sự kết nối của các DN du lịch để tổ chức tour tham quan giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử, truyền thống yêu nước, cách mạng.
Vào nửa đầu tháng 4.2024, hòa cùng không khí hướng đến kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2024), Bảo tàng tỉnh nhộn nhịp không khí “về nguồn” từ các đoàn học sinh ở một số trường tại TP Quy Nhơn, huyện Phù Cát.
Hình ảnh về Bác Hồ và người thân trong gia đình được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: H.THU
Thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh Nguyễn Thị Nhân đã nhiều lần dạy tiết học lịch sử tại phòng “Nhân dân Bình Định với Bác Hồ, Bác Hồ với nhân dân Bình Định”, nhưng chị cho biết lần nào cũng có “cảm xúc mới” thật đặc biệt, nhất là khi kể những câu chuyện về Bác và gia đình Bác, hay khoảng thời gian hai cha con Bác ở quê hương Bình Định…
“Qua nhiều tiết học lịch sử, tôi nhận thấy mình truyền đạt “từ trái tim sẽ chạm đến trái tim”. Như tại tiết học lịch sử ngày 10.4 cho hàng trăm học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Quy Nhơn), những thông tin, câu chuyện kể đầy cảm xúc của tôi đã lan tỏa được đến học sinh, giáo viên cùng chăm chú lắng nghe, bày tỏ xúc động trước sự hy sinh và công lao to lớn, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh…”, chị Nhân chia sẻ.
Việc tổ chức tiết học lịch sử, tham quan phòng trưng bày về Bác nói riêng và Bảo tàng tỉnh nói chung đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho học sinh. Em Phan Đỗ Mai Anh, học sinh lớp 10 chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn), sau khi cùng các bạn tham quan Bảo tàng tỉnh, đã bày tỏ: “Chính những tư liệu cụ thể về Bác, mô hình nhà sàn nơi Bác ở, những hiện vật, tác phẩm về Người tại Bảo tàng tỉnh đã giúp học sinh cảm nhận sâu sắc hơn, “thấm nhuần” dòng lịch sử hơn bao giờ hết”.
HOÀI THU