Ngày hội của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới
Hằng năm, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, vinh danh người lao động - lực lượng nòng cốt, đi đầu, trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Công nhân chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Ngày Quốc tế Lao động 1.5 là ngày lễ kỷ niệm, ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới, với rất nhiều hoạt động được tổ chức để vinh danh những người trực tiếp tham gia các nỗ lực phát triển kinh tế quốc gia.
Hằng năm, người lao động trên toàn thế giới lại cùng nhau kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, vinh danh người lao động - lực lượng nòng cốt, đi đầu, trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Không có quốc gia nào có thể thành công và thịnh vượng mà không có sự cống hiến của lực lượng lao động.
Ngày lễ của người lao động
Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh, đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở một số nước như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ....
Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động. Mâu thuẫn tăng cao, các cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn.
Trong đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm 8 giờ” sớm xuất hiện ở nước Anh rồi dần lan sang các nước khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với người lao động Việt Nam đang làm việc tại Công ty Cổ phần Shibata Gousei, Nhật Bản. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 1.5.1886, tại thành phố Chicago (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ,” hàng chục nghìn công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc).
Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân. Công nhân khắp nước Mỹ lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chicago. Công nhân Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan… cũng tổ chức nhiều cuộc míttinh hưởng ứng.
Từ các cuộc đấu tranh của công nhân lao động, chính phủ một số nước buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ.
Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14.7.1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1.5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới.
Từ đó ngày 1.5 trở thành ngày Quốc tế Lao động - ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, ngày 1.5.1890 lần đầu tiên, Ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm với quy mô thế giới. Công nhân ở các nước: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Italy và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít tinh, xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ “Ngày làm 8 giờ”, “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”.
Ngày nay, ngày Quốc tế Lao động 1.5 đã trở thành ngày Lễ tại nhiều quốc gia trên thế giới, dành để tôn vinh lao động và gây dựng đoàn kết lao động trên thế giới; là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngày lễ này được tổ chức như một kỳ nghỉ chính thức ở hơn 80 quốc gia trên thế giới; với nhiều chương trình chào mừng, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức xã hội hơn nữa về ngày Quốc tế Lao động, vai trò và quyền lợi của người lao động.
Ngày Quốc tế Lao động ở Việt Nam
Tại Việt Nam, từ những năm đầu của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin vào Việt Nam, giúp công nhân lao động Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, nhất là về Cách mạng Tháng Mười Nga và Ngày Quốc tế Lao động 1.5.
Công nhân Công ty TNHH hệ thống dây Sumi-Hanel (Hà Nội) hăng say làm việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới. (Ảnh: TTXVN)
Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta đã xác định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, nòng cốt trong khối liên minh công-nông.
Ngày 1.5.1930 - lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ. Đó là điểm bắt đầu cho cả cao trào 1930-1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh.
Sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 18.2.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c quy định ngày 1.5 là một trong những ngày lễ chính thức của nước ta. Ngày 29.4.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân lao động được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1.5.
Ngày 1.5.1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.
Từ đó, Ngày Quốc tế Lao động hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam.
Kể từ sau năm 1975, kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động ở Việt Nam ngày càng có ý nghĩa khi ngày này diễn ra ngay sau ngày toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4).
Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
(Theo Vietnam+)