Đổi thay ở nơi khởi đầu trận chiến
Xã Bình Giang, huyện Bình Khê xưa (nay là hai xã Tây Giang, Tây Thuận của huyện Tây Sơn) là nơi nổ ra tiếng súng mở màn cho chiến dịch Xuân 1975 trên chiến trường Bình Định và Khu V. Từ sau năm 1975, đặc biệt trong những năm gần đây, sức sống mới đã bật lên từ vùng đất này.
Chiến trường ác liệt
Chấp hành chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Bình Định khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng bước vào chiến dịch Xuân 1975 với khí thế tiến công cách mạng sôi nổi.
Trên mảnh đất Bình Giang anh hùng năm xưa, giờ đây màu xanh đang vút lên, nhiều khu dân cư đông đúc nhộn nhịp với những công trình, ngôi nhà khang trang được xây dựng. Ảnh: DŨNG NHÂN
Trong đó, Sư đoàn 3 Sao Vàng được Bộ Tư lệnh Quân khu V giao nhiệm vụ đánh cắt đường 19 lâu dài, thực hành chia cắt chiến lược, tạo điều kiện cho Tây Nguyên hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, hỗ trợ cho LLVT và nhân dân Bình Định tiến công địch ở khu vực trọng điểm.
Sư đoàn 3 Sao Vàng đã chọn khu vực tác chiến ở đoạn đường hiểm trở nhất là đoạn phía Đông đèo Thượng Giang (đèo An Khê) đến thị trấn Đồng Phó (huyện Bình Khê). Theo ông Nguyễn Phấn (79 tuổi, nguyên cán bộ quân y Sư đoàn 3 Sao Vàng, hiện là Trưởng Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng huyện Tây Sơn), cắt đứt đường chiến lược số 19 là vấn đề đầu tiên được đặt ra với Chiến dịch Tây Nguyên. Bởi nó không chỉ là đường tiếp liệu, tiếp viện chủ yếu mà còn là con đường rút lui nhanh nhất, thuận lợi nhất của địch xuống đồng bằng mỗi khi Tây Nguyên thất thủ.
Trên đoạn đường này, địch đóng 37 chốt điểm, trong đó có những cụm chốt kiên cố như núi Cây Rui (7 chốt), cống Hang Dơi (5 chốt), Đồng Phó - Hậu Trạm - Vườn Xoài (7 chốt), Truông Ổi - đồi Che Chẻ (6 chốt)... Hầu hết các chốt đều nằm trên điểm cao, án ngự bên trục đường 19. Cuối tháng 2.1975, địch tăng thêm Trung đoàn 47 thuộc Sư đoàn 22 ngụy vào khu chiến, đưa lực lượng phòng ngự của địch ở đây lên 8 tiểu đoàn bộ binh, 3 chi đoàn xe tăng, xe bọc thép.
5 giờ 35 phút ngày 4.3.1975, Tiểu đoàn 19 công binh tỉnh đánh sập Cầu 12, các đơn vị Sư đoàn 3 Sao Vàng đồng loạt nổ súng tiến công hàng loạt chốt điểm của địch ở phía Bắc và phía Nam đường 19 từ lăng Mai Xuân Thưởng lên đèo Thượng Giang và Truông Ổi đến Tiên Thuận (Bình Giang, Bình Khê), mở màn chiến dịch Xuân 1975 ở Bình Định và trên khắp chiến trường Khu V. Trước khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn ở Buôn Ma Thuột (ngày 10.3.1975), Sư đoàn 3 Sao Vàng đã đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 47, Sư đoàn 22 ngụy và Liên đoàn bảo an 927, làm chủ hàng chục cây số trên đường 19 đoạn phía Đông đèo An Khê, thực hiện thế chia cắt chiến lược hiểm hóc giữa Tây Nguyên và đồng bằng Khu V.
Đến trưa 17.3.1975, cờ giải phóng tung bay trên các căn cứ ngụy quân, chấm dứt những tháng ngày đau thương dưới ách quân thù. Thắng lợi tại Bình Giang góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên. Trong thế chẻ tre, tình hình chuyển biến mau lẹ, thời cơ chín muồi, ngày 24.3.1975, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo chiến dịch quyết định tổng tấn công, tổng khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh.
Hồi sinh mạnh mẽ
Những ngày đầu giải phóng, quân dân Bình Giang chung sức chung lòng xây dựng lại quê hương. Đến ngày 1.1.1987, xã Bình Giang chính thức tách thành 2 xã Tây Giang và Tây Thuận, thuộc huyện Tây Sơn.
Trên hành trình về vùng đất khởi đầu trận chiến năm xưa, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Dũng (69 tuổi, thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận). Giữa trưa nắng, ông lặn lội xuống xã Tây Giang để xem tiến độ thi công cầu Hữu Giang. Ông Dũng thủ thỉ: “Bình Giang xưa nay đã trở mình mạnh mẽ trên những tàn tích của chiến tranh. Đời sống người dân ngày một no đủ. Nhưng cái thiếu cũng như mong mỏi lâu nay là có cây cầu bắt qua bờ sông Côn để giao thông được thuận lợi. Việc nhà nước quan tâm xây dựng cầu người dân ai cũng vui và phấn khởi. Tôi sẽ sống thật khỏe để chứng kiến sự kiện cầu được khánh thành”.
Từ trên đỉnh đèo An Khê nhìn xuống, xã Tây Thuận và Tây Giang hôm nay như một dải lụa màu xanh chạy dọc hai bờ sông Côn. Ba bên được bao bọc bởi núi, QL 19 như cột sống uốn theo chiều dài của hai xã. Nhiều công trình, nhà cao tầng đã mọc lên.
Cầu Hữu Giang hình thành sẽ tạo động lực cho sự phát triển của xã Tây Giang, thỏa mong ước bấy lâu nay của người dân.
- Trong ảnh: Thi công cầu Hữu Giang. Ảnh: HỒNG PHÚC
Tây Giang hôm nay thật sự “thay da đổi thịt”. Đơn cử như thôn Nam Giang, khu tái định cư xưa hoang vu với đường sá lầy lội, hôm nay đã trở thành một khu dân cư đông đúc, nhộn nhịp với những căn nhà khang trang mọc san sát nhau, những ruộng lúa, mía, mì xanh ngắt. Thời gian qua, bà con nơi đây đã học hỏi, tiếp thu ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau xanh được thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, số hộ nghèo trong thôn giảm đáng kể.
Chủ tịch UBND xã Tây Giang Ngô Luân chia sẻ: Khi cầu Hữu Giang và Khu công nghiệp Tây Giang (dự kiến đặt tại thôn Nam Giang) được hình thành sẽ tạo động lực, không gian phát triển cho xã. Đặc biệt, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng tích cực của toàn thể nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới của xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Đến năm 2023, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Nằm dọc theo QL 19 phía trên xã Tây Giang, xã Tây Thuận cũng có sự đổi thay đáng kể. Dưới chân Truông Ổi hào hùng năm nào nay là Trường Tiểu học Tây Thuận. Nhiều năm trở lại đây, Tây Thuận đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thu hút nhà đầu tư vào Cụm công nghiệp Cầu 16 và khu vực Đồng Hào, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, vận động nhân dân phát triển các ngành, nghề, sản phẩm truyền thống, từng bước hình thành các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, tổng giá trị các ngành sản xuất chính trong năm 2023 trên địa bàn xã đạt hơn 538 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 13,6%; bình quân thu nhập đầu người của người dân địa phương đạt gần 48 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều giảm còn 4,8%.
“Những thành quả đạt được trong thời gian qua chính là nền tảng vững chắc, là tiền đề để Tây Thuận tiếp tục vững tin bước tiếp trong hành trình hướng đến tương lai. Trước mắt, địa phương sẽ phấn đấu thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao”, ông Chín cho biết thêm.
* * *
Suốt những năm tháng chiến tranh, bom đạn đã cày xới mảnh đất Bình Giang không chừa một tấc đất. Từng con người, lá cây, ngọn cỏ phải vươn lên để sống, nước sông Côn bao lần nhuộm máu của những người con đánh giặc giữ làng. Và giờ đây, màu xanh đang vút lên, trùm lấy những hoang tàn đổ nát một thời của mảnh đất anh hùng này. Cũng ở đó, thế hệ hôm nay đang nỗ lực biến một vùng quê đìu hiu, xơ xác vì chiến tranh trở thành vùng đất trù phú để xứng đáng hơn với những hy sinh của cha ông…
H.P