Ngọn nguồn chảy ngược trăm năm…
Gốm lưu lạc (NXB Hội Nhà văn, ảnh) là tập thơ vừa ra mắt bạn đọc giữa Xuân Giáp Thìn 2024 của Vân Phi. Sách gồm 36 bài, được bố cục thành ba phần: Theo dấu thời gian, Ðường biên ngẫm ngợi và Ðiều không định nghĩa. Ngôn ngữ thơ trong cách gợi cảm xúc thi nhân, tâm tình sẻ chia “ngọn nguồn chảy ngược trăm năm” để hòa chung bản sắc thuần túy về cuộc sống và con người quanh ta.
Theo dấu thời gian là ký ức vùng miền, những vệt dấu văn hóa in đậm dấu ấn khó quên trong cái nhìn của người nghệ sĩ. Thể như bức xuân vùng Hoa Lư đẹp lắm tự thuở nào lưu lại trân quý bàn tay hội họa tự nhiên như huyền thoại, trên con thuyền thưởng ngoạn Tràng An Ninh Bình: “Từ nét cọ/ ta đi trên những vệt đường đã cũ/ thấy bóng mình nhòe đi/ những gam sắc nhòe đi/ những xưa xa cũng nhòe đi như mộng/ em cũng nhòe vào ray trí nhớ…” (Trên những nét cọ).
Rồi trở về với quê nhà Bình Định, lạc vào trong không gian ngày Tết đi chợ Gò đầu năm, cho anh trăn trở những nhọc nhằn cơ cực của người lao động làm nên hạt muối, và chạnh nghĩ về muối Diêm Vân ở vùng quê Tuy Phước - nay chỉ còn trong ký ức: “Giờ còn đâu đồng xưa/ tiếng rao “ai muối không” rạc miền ký ức/ đi chợ Gò nhớ phù sa biển/ bấy nhiêu gian bày biện/ muối nào là muối Diêm Vân…”.
Với Đường biên ngẫm ngợi lại đầy suy tư về hành trình người cầm bút. Chút lênh đênh gió tạt sóng vùi, nhưng vị biển mặn mòi gợi lên nhiều thi ảnh: “Thuyền vẫn đó/ như biển vẫn dính vào vòng xoay quả đất/ hấp lực nào giữ chúng ở lại/ như mắt em chẳng then cài sao nhốt mãi một tôi…”(Giấc hải trình).
Tác giả có cái nhìn bao dung nhân hậu, định hướng cuộc trở về thực tại với con người, đôi khi là sự lắng lại với vẻ đẹp dòng sông quê nhà đã từng nuôi dưỡng tâm hồn bao đời: “Ba muốn về lại dòng sông cũ/ tắm giữa sóng trăng, nghe câu hát ơi à/ ôm lấy cánh đồng quê mình mùa trở gió/ tưới phù sa lên ruộng cạn xạc xài” (Trên từng bước chân mê).
Đâu phải Điều không định nghĩa là mơ hồ, mà là sự thỏa thuận hoàn thiện riêng mình. Những khoảnh khắc rượt đuổi chấp chới, chẳng cần định nghĩa có khi đã hàm chứa một khẳng định nào đó: “Em, ánh nắng của ngày chưa hiện hữu/ ta cố dò lấy một đường biên” (Điều không định nghĩa). Thì ra lúc này trong bất kỳ đường biên nào đều là sở hữu tâm hồn nhà thơ, là ranh giới phân định sự thật bất biến tích lũy cảm xúc tứ thơ thăng hoa.
Gốm lưu lạc, cuộc tìm về nguồn cội đôi tay lao động muôn đời, có nhọc nhằn có hoan ca có đau đáu và cả niềm tự hào kiêu hãnh: “Gốm lưu lạc/ mang dòng nước xứ Đồ Bàn/ mang ngọn lửa nung đỏ góc trời Chiêm tự/ mang dáng dấp người xưa sau lũy tre làng/ vùi mình hun hút biển sâu/ cô đơn nơi bảo tàng ngoại quốc/ Chỉ có cao xanh vòi vọi lưu dòng ký ức/ chút cũ xưa ở chốn quê nhà” (Gốm lưu lạc). Thật trân quý vô cùng từ sở hữu đất đai quê nhà mộc mạc, mà kỳ công làm nên giá trị sản phẩm bên đời. Khác nào dòng sông trôi cứ an nhiên lặng lẽ. Đời sông đời người đâu thể nào tách biệt, độc giả sẽ nhận ra một “Tôi”, hình tượng nhân vật trữ tình lấm láp bụi trần cơ cực vẫn vẹn nguyên cốt cách thi nhân dậy hương men: “Tôi hành khất nắng mưa bên trời chạng vạng/ ly hương từ độ dại khờ… Dòng sông ly hương/ róc rách trong tôi/ thầm thĩ trong tôi, ghì đôi chân tôi bên bờ huyền mộng/ sông rồi sông chẳng phố thị ồn ào/ sông rồi sông nghe mẹ hát ca dao/ sông rồi sông - nước mắt - rỏ vào mây viễn xứ/ và cơn mưa/ nơi ngõ cũ ngọt ngào…” (Sông ly hương).
NGUYỄN THỊ PHỤNG