Phát huy giá trị bảo vật quốc gia
Sau 12 lần được Thủ tướng Chính phủ công nhận, đến nay, tỉnh Bình Định có 13 bảo vật quốc gia là những hiện vật nghệ thuật điêu khắc đá Champa. Trong số này, có 8 bảo vật quốc gia được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (niên đại đầu thế kỷ XII), phù điêu thần Brahma (niên đại cuối thế kỷ XII), cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn (niên đại thế kỷ XII - XIV), phù điêu nữ thần Sarasvati (niên đại đầu thế kỷ XII), phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa (niên đại thế kỷ XII); hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (thành Hoàng Đế; niên đại cuối thế kỷ XI - đầu thế kỷ XII).
5 bảo vật quốc gia còn lại là cặp tượng Hộ pháp (niên đại thế kỷ XII - XIII) lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn); tượng thần Shiva (niên đại thế kỷ XV) được lưu giữ tại chùa Linh Sơn, xã Nhơn Hội (TP Quy Nhơn) và cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn).
Bảo vật quốc gia được công nhận là những hiện vật kết tinh văn hóa của vùng đất Bình Định với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp bảo vệ, gìn giữ bảo vật quốc gia, cũng cần có phương án để phát huy giá trị của những bảo vật này. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giá trị các bảo vật quốc gia, cũng cần giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn để cho đông đảo người dân, du khách biết đến giá trị các bảo vật quốc gia nói riêng và các di tích lịch sử, văn hóa của Bình Định nói chung.
Do vậy, cần quan tâm bố trí kinh phí xây dựng phương án bảo vệ các bảo vật quốc gia hiện nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, cũng như tại các địa phương; tổ chức những cuộc trưng bày chuyên đề về bảo vật quốc gia hoặc lồng ghép trong các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Bình Định; làm clip giới thiệu về di tích, bảo vật quốc gia để người dân, du khách hiểu thêm về những tác phẩm mang các giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt này…
ĐOAN NGỌC