Cân đối khả năng cung cấp nước để ứng phó với hạn hán ở Trung Bộ
Trước tình trạng nắng nóng xảy ra ở khu vực Trung Bộ từ đầu mùa khô đến nay và tiếp tục có xu hướng gia tăng, khiến nguồn nước trữ trong công trình thủy lợi có thể bị hạ thấp rất nhanh và gia tăng nhu cầu dùng nước dẫn đến nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên phạm vi rộng, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ Hè Thu, Mùa 2024 ở khu vực Trung Bộ.
Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, các địa phương cần tổ chức xây dựng, rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Theo đó là các kịch bản về nguồn nước trữ trong công trình thủy lợi, khả năng xuất hiện mưa tiểu mãn, xác định cụ thể các vùng có nguy cơ hạn hán, thiếu nước (theo các kịch bản) và giải pháp ứng phó cụ thể.
Các địa phương cần tổ chức theo dõi, liên tục cập nhật thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp; thông tin dự báo nguồn nước và khuyến cáo xây dựng kế hoạch sử dụng nước do các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp. Cùng với đó, các chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với kịch bản ứng phó đã được xây dựng.
Nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã cạn trơ đáy và ngừng hoạt động. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN
Các tỉnh, thành phố tổ chức kiểm kê nguồn nước trữ của từng công trình thủy lợi, tính toán cân đối khả năng cung cấp trong thời gian còn lại của mùa khô. Theo đó, xác định lượng nước ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng cạn và các nhu cầu thiết yếu khác.
Địa phương chỉ tổ chức xuống giống cây trồng vụ Hè Thu, Mùa nếu nguồn nước bảo đảm cũng cấp đủ cho cả vụ. Diện tích không đủ nước, xem xét giãn, lùi thời vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Nguyễn Tùng Phong nhấn mạnh.
Các địa phương cần chủ động phối hợp với các chủ hồ chứa thủy điện và các cơ quan liên quan xây dựng, thống nhất kế hoạch điều tiết nước cho vùng hạ du các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Hè Thu năm 2024. Đảo đảm lưu lượng xả nước qua phát điện phù hợp với khả năng lấy nước của công trình thủy lợi, hạn chế thất thoát, lãng phí để đồng thời tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện.
Nông dân cần tăng cường áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho lúa, cây trồng cạn; trường hợp xảy ra thiếu nước, ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt, cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác. Thực hiện việc tích trữ nước phân tán quy mô nhỏ theo hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, bảo đảm cung cấp nhu cầu tối thiểu cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới cho cây trồng cạn.
Địa phương cũng cần tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến giúp khơi thông dòng chảy, tận dụng khai thác tối đa nguồn nước.
Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt nông thôn, Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt, đánh giá khả năng nguồn nước cấp cho sinh hoạt (bao gồm cả nguồn dự phòng) để xây dựng phương án và tổ chức triển khai các biện pháp cấp nước sạch cho người dân. Cụ thể như: thiết lập các điểm cấp nước tập trung, kéo dài tuyến ống cấp nước, hỗ trợ thiết bị trữ nước, sử dụng các phương tiện lưu động, như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư.
Chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị cấp nước giám sát chặt khả năng nguồn nước cấp cho sinh hoạt, xây dựng kế hoạch và phương án cấp nước cho từng cụm dân cư của công trình, phương án hỗ trợ cấp nước cho các khu vực ngoài phạm vi cấp nước; tổ chức khắc phục ngay các sự cố của công trình để đảm bảo cấp nước, không để xảy ra tình trạng gián đoạn, mất nước kéo dài.
Các tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông tin về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện truyền thông khác đến chính quyền địa phương, người dân. Từ đó, chủ động thực hiện giải pháp ứng phó với ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước ngọt.
Theo Cục Thủy lợi, hiện khu vực Trung Bộ, tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 365 ha thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam bị ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước. Dự báo, vụ Đông Xuân 2023-2024, diện tích nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước khoảng 1.200 ha thuộc tỉnh Bình Thuận.
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, dung tích hồ chứa thủy lợi trung bình toàn vùng đạt 53% dung tích thiết kết, thấp hơn 2% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Hiện trong vùng có 56 hồ nhỏ dưới mực nước chết ở tỉnh Thanh Hóa, trong đó có 29 hồ do đang sửa chữa nâng cấp nên không tích nước.
Với nguồn nước này, Cục Thủy lợi dự báo Bắc Trung Bộ có khoảng 8.700 – 14.200 ha có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Địa phương có diện tích có nguy cơ lớn nhất là Nghệ An, tiếp đến là Thanh Hóa, Quảng Trị…
Tại khu vực Nam Trung Bộ, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 61% dung tích thiết kế. Hiện trong vùng có 103/534 hồ chứa có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế; trong đó 29 hồ nhỏ dưới mực nước chết.
Cục Thủy lợi cũng dự báo Nam Trung bộ có khoảng 16.500-21.000 ha có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Địa phương có diện tích có nguy cơ lớn nhất là Ninh Thuận, tiếp đến là Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên…
(Theo Bích Hồng/TTXVN)