Góp thêm món ăn tinh thần cho học sinh miền núi
Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức tuyên truyền lưu động kết hợp chiếu phim, phục vụ xe thư viện lưu động tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hoài Ân (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) vào hạ tuần tháng 4. Lần đầu tiên tập trung phục vụ riêng học sinh nội trú miền núi, Trung tâm xem đây là một cách đa dạng hóa hình thức, đối tượng tuyên truyền, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các em.
Xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh được trang bị đầy đủ giống như một “thư viện thu nhỏ” với hơn 5.000 bản sách đến sân Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hoài Ân (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) phục vụ học sinh.
Kho sách phục vụ lưu động có nội dung thuộc nhiều lĩnh vực như: Sách tham khảo, thế giới động thực vật, lịch sử, địa lý, kỹ năng sống, văn học, truyện tranh… để các em thoải mái chọn đọc. Không chỉ đọc sách, các em còn vui hơn khi tham gia trò chơi đố vui, được nhận quà tặng là sách khi trả lời đúng câu hỏi.
Xe thư viện lưu động phục vụ học sinh đọc sách.Ảnh: NGỌC NHUẬN
Em Đinh Thống Nhất, học sinh lớp 6A2, vui vẻ cho biết: “Em rất thích đọc sách văn hóa học đường, đọc những cuốn sách ấy giúp em nuôi dưỡng tâm hồn, gắng sức học tập để sau này trở thành người có ích. Dù chỉ trải nghiệm các hoạt động đọc sách, tham gia trò chơi trong một buổi chiều, nhưng em thấy rất hứng khởi tinh thần trong học tập”.
Ông Trần Xuân Nhất, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, chia sẻ: “Sách không lạ gì với học sinh, nhưng để xe thư viện lưu động phục vụ học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa thật tốt, chúng tôi đầu tư sáng tạo, thiết kế cách tiếp cận mới khiến các em háo hức, đợi chờ. Lần đầu Thư viện tỉnh phối hợp cùng Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức hoạt động tuyên truyền đa dạng như vậy, giúp học sinh hiểu được lợi ích của việc đọc sách, khuyến khích xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường, thực hiện có hiệu quả hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh”.
Sau buổi cơm chiều, các em học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, háo hức mang theo ghế nhựa xếp ngay ngắn ngồi chờ xem văn nghệ, xem phim. Chương trình văn nghệ bắt đầu, những tràng pháo tay rộn rã vang trong sân trường cổ vũ thêm tinh thần cho các nghệ sĩ, diễn viên, học sinh của trường lần lượt ra biểu diễn.
Mọi người say sưa theo dõi 6 tiết mục hát, múa với các nhạc phẩm có nội dung ca ngợi chiến thắng Điện Biên Phủ, ngợi ca quê hương Bình Định được các nghệ sĩ của Đội tuyên truyền lưu động Trung tâm Văn hóa tỉnh biểu diễn phục vụ, cùng 2 tiết mục múa giao lưu của học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hoài Ân. Kết thúc chương trình văn nghệ, học sinh được xem phim Ký ức Điện Biên.
Em Trần Thanh Thủy, học sinh lớp 7A1, chia sẻ: “Chưa bao giờ chúng em có một ngày vui như vậy. Buổi chiều được đọc sách, đến tối được xem văn nghệ, xem phim. Hoạt động ý nghĩa như thế này đã giúp chúng em tự hào về lòng yêu nước, nỗ lực học tập để sau này trở thành người có ích góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước”.
Ông Phạm Ngọc Ánh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Đặc thù là trường nội trú ở miền núi điều kiện còn khó khăn, nên việc tổ chức các hoạt động đa dạng hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam như thế này mang ý nghĩa thiết thực, tiếp thêm món ăn tinh thần, dần tạo cảm hứng đọc sách, tự hào truyền thống yêu nước của dân tộc cho các em.
Từ hiệu quả của hoạt động tuyên truyền lưu động kết hợp nhiều hình thức đa dạng vừa biểu diễn văn nghệ, chiếu phim, vừa phục vụ đọc sách, Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước thông qua công tác tuyên truyền lưu động đưa thông tin về cơ sở.
Ông Huỳnh Hiệp An, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho biết: Trung tâm sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình tuyên truyền kết hợp nhiều thể loại để phục vụ người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Ngoài phối hợp Thư viện tỉnh, có thể chúng tôi sẽ phối hợp thêm Bảo tàng tỉnh cùng tham gia, tổ chức thêm nhiều hoạt động phong phú khác, như trưng bày giới thiệu hiện vật bảo tàng, kể chuyện lịch sử… để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN