Quà của biển
Tạp bút của BÙI DUY PHONG
Mặt trời còn chưa nhô lên khỏi mặt đại dương mênh mông, chỉ vừa hắt sáng soi bóng của những con tàu đánh cá đang rẽ sóng trở về, trên bến đã lao xao tiếng nói cười. Nhìn khuôn mặt rạng ngời của các bà, các mẹ ngồi đợi chồng, đợi con mình về từ trùng khơi, ai cũng biết ngư dân chuyến này trúng lớn. Tiếng máy nổ xành xạch, tiếng người gọi nhau chuyển hải sản lên bờ khi tàu cập vào âu thuyền làm không khí của miền biển quê vui như hội. Dọc theo ven bờ của cửa An Dũ nơi con sông Lại hòa mình vào biển cả trong những ngày này, cái mùi ngai ngái quen thuộc của thứ sản vật đang phơi làm giác quan của những người sành ăn phải lên tiếng. Ai cũng đợi mong để rồi không thể nhịn được, phải thốt lên thành lời “trời ơi ruốc!”.
Sinh vật biển bé nhỏ này có mặt ở các vùng biển ven bờ từ Bắc chí Nam với tên gọi khác nhau như moi, khuyết, tép, ruốc... Ruốc chỉ xuất hiện nhiều khi trời yên biển lặng, sóng êm chúng mới nổi lên, kết thành dề khiến những vùng mênh mông lao xao. Đoàn tàu đánh cá nằm gối đầu lên những con sóng lăn tăn ven bờ ngủ yên giật mình tỉnh giấc, và rồi tiếng máy giòn tan vẽ những vòng cung đón mùa ruốc về.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN TẤN HIỀN
Có nhiều cách đánh bắt nhưng ngư dân An Dũ thích dùng trũ mành. Bằng cách đánh bắt này, con ruốc với thân hình trong veo được vớt lên rất sạch không bị lẫn tạp chất khác như cách đánh bắt giã cào. Ở những vùng biển nông người ta còn đi nhủi ruốc bằng tay nữa nhưng cách làm này khiến ruốc thường lẫn lộn, mang theo nhiều cát. Thuyền khai thác nhỏ ven bờ trúng luồng ruốc theo những tầng nước cứ vào ra rộn ràng để kịp mang vào bờ nhiều khoang thuyền đầy ắp ruốc. Những thúng ruốc tươi roi rói theo chân các bà, các chị kịp đến những phiên chợ sớm nhất. Có những lúc trúng lớn và gặp lúc nắng giòn, ruốc được đem phơi khô. Khắp những bãi bờ ven biển dậy lên một mùi ruốc ngai ngái.
Ruốc tươi được chế biến thành nhiều món ăn dân dã nhưng cực kỳ ngon. Với người Bình Định, ruốc trộn thật là một món ăn ăn hoài không biết chán. Ruốc tươi xào cùng gia vị rồi trộn với các loại rau mơn mởn xanh mà chủ yếu là xà lách, dưa leo, cà chua xanh, khế tạo nên món ăn chỉ nhìn thôi đã thấy thèm. Màu hồng của ruốc, màu xanh của rau điểm xuyến những vòng xốt mayonnaise trắng ngà làm nước bọt ta tứa ra đầy khoang miệng.
Ngoài ra còn có món ruốc xúc bánh tráng dân dã cả cách chế biến lẫn thưởng thức. Ruốc tươi đem xào vừa chín tới cho khô nước rồi thêm chút mắm nhỉ An Dũ cho vừa ăn. Lấy miếng bánh tráng nướng giòn cứ thế xúc nhai cà rộp, cà rộp mà không muốn dừng. Nồi canh rau thả mớ ruốc tươi vào ăn ngọt đến tận bao tử.
Nói đến ruốc mà không kể đến thứ mắm được làm từ loài hải sản này là một thiếu sót lớn. Đặc sản mắm ruốc có ở khắp các vùng miền ven biển và mỗi nơi có những cách làm để cho ra sản phẩm với hương vị khác nhau. Thứ ruốc sạch tươi roi rói cho vào hũ sành với tỷ lệ muối phù hợp, ủ chượp lên men trong vòng sáu tháng sẽ cho ra thứ mắm ruốc đặc trưng của người Việt. Thịt ba chỉ kho mắm ruốc, bánh tráng nướng mắm ruốc, cơm chiên mắm ruốc, bún bò mắm ruốc... chắc chắn là những món ăn mà bạn đã từng thưởng thức một lần trong đời. Người miền quê cửa biển An Dũ vẫn ưa thích món mắm ruốc muối xổi hơn cả vì độ ngọt ngon của nó. Bữa ăn với chén mắm ruốc còn nguyên con hồng hào sủi bọt trong mùi thơm của ớt, sả, chanh. Thêm đĩa thịt luộc và cà chua xanh xắt mỏng nữa thì nồi cơm nấu bằng than củi cháy sém vơi nhanh lúc nào không hay.
Ngoài kia cái nắng vẫn đang dát vàng lên mặt biển xanh phẳng lặng. Những con tàu vẫn đang nổ máy khép chặt vòng lưới cho ruốc nặng đầy khoang. Trên bờ những ánh mắt rạng ngời đang đợi chờ để hóa kiếp loài hải sản của trùng khơi thành những món ăn tuyệt diệu mà đã thử một lần ta nhớ mãi không quên.