Kiểm soát việc lập hồ sơ báo cáo việc khai thác rừng trồng:
Lỏng lẻo
Hiện nay, tình trạng chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, tập thể không lập hồ sơ báo cáo việc khai thác rừng trồng với chính quyền địa phương, ngành chức năng theo Thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT (gọi tắt là Thông tư 35) khá phổ biến. Thậm chí, nhiều trường hợp còn lợi dụng để khai thác trái phép rừng phòng hộ.
Theo Thông tư 35, từ năm 2011, khi muốn khai thác rừng trồng, chủ rừng phải lập hồ sơ khai báo với chính quyền địa phương. Việc này nhằm xác định số lượng lâm sản chuẩn bị khai thác thuộc tiểu khu nào, có được ngành chức năng cho khai thác hay không… Tuy nhiên, rất nhiều chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, tập thể thường không chấp hành quy định này.
Nhiều chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, tập thể không lập hồ sơ khai báo với chính quyền địa phương khi khai thác rừng trồng như quy định.
- Trong ảnh: Người dân ở Vân Canh khai thác rừng trồng.
Theo khảo sát của chúng tôi tại huyện Vân Canh, tình trạng khai thác rừng trồng nhưng không thông báo với chính quyền địa phương khá phổ biến. Khi PV Báo Bình Định hỏi về thủ tục xin khai thác rừng trồng thì hầu hết các chủ rừng đều lắc đầu không biết. Ông H., một chủ rừng trồng ở thị trấn Vân Canh, cho rằng: Rừng mình trồng thì mình khai thác chớ cần gì phải báo cáo với cơ quan chức năng.
Hệ lụy dễ thấy nhất do việc khai thác rừng trồng không theo quy định, không được ngành chức năng quản lý, kiểm soát là đất đai bị xói mòn, mất cân bằng sinh thái. Không riêng gì huyện Vân Canh, tình trạng trên còn diễn ra tại các huyện khác như Phù Mỹ, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh… Thậm chí, tại các huyện Hoài Ân, Phù Mỹ, một số trường hợp lợi dụng việc khai thác rừng trồng để khai thác trái phép rừng phòng hộ.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Đình Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Định, thừa nhận: “Tình trạng chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, tập thể không lập hồ sơ báo cáo với chính quyền địa phương hiện khá phổ biến; ngành kiểm lâm cũng tăng cường kiểm tra nhưng còn gặp nhiều khó khăn”.
Được biết, sắp tới, ngành chức năng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định pháp luật. Đồng thời, sẽ có các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép tại các rừng phòng hộ, như: Lực lượng kiểm lâm tăng cường chốt chặn, kiểm tra tại các trục đường chính dẫn vào rừng, nhằm sớm phát hiện các trường hợp vi phạm và xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm, ông Thanh khẳng định.
PHÚC LỘC