Quản lý, bảo vệ rừng là trách nhiệm của các địa phương
(BĐ) - Chiều 5.5, tại Hội trường UBND tỉnh Kon Tum, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng trong năm 2023, 4 tháng đầu năm 2024 và các giải pháp trong thời gian tới.
Hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Định. Ảnh: NGỌC TÚ
Tại điểm cầu tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì; cùng sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng của tỉnh.
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung: Khó khăn, vướng mắc trong quy định quản lý rừng hiện hành và quá trình triển khai thực hiện quản lý rừng trong thực tế; giải pháp cho câu chuyện giữ được tỷ lệ che phủ rừng; vướng mắc trong cơ chế chính sách cho người bảo vệ rừng; kinh nghiệm bảo vệ rừng đạt kết quả tốt; giải pháp an toàn trong bối cảnh một số vụ cháy thời gian qua đã phát sinh những tình hình không lường trước được...
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2023, tổng diện tích rừng cả nước là 14.860.309 ha (rừng tự nhiên là 10.129.751 ha; rừng trồng 4.730.557 ha). Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng (giảm 597 vụ so với năm 2022); cả nước đã xảy ra 310 vụ cháy rừng, ảnh hưởng đến 674,5 ha. Trong 4 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 650 vụ phá rừng, cả nước xảy ra 89 vụ cháy, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
Tại Bình Định, năm 2023, diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 415.347,99 ha; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 57,32%; tình hình khai thác rừng trái pháp luật giảm 3 vụ so với năm 2022 (giảm 33,3%). Để công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả hơn nữa, UBND tỉnh đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 177/QĐ-TTg ngày 10.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng giai đoạn 2021-2030 để địa phương có nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCC rừng.
Hội nghị đã nghe đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT báo cáo công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng trong những mốc thời gian kể trên; tình hình, dự báo thời tiết và ảnh hưởng đến công tác phòng chống cháy rừng năm 2024 trên phạm vi cả nước; kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị của một số địa phương, bộ, ngành, lực lượng an ninh liên quan.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định tình hình công tác quản lý, bảo vệ rừng trong 4 tháng vừa qua cơ bản ổn định, giảm cả 3 tiêu chí về số người vi phạm, số vụ cháy và diện tích cháy rừng. Đồng chí cho rằng, công tác tuyên truyền đã góp phần tạo chuyển biến trong ý thức người dân, nhiều địa phương có sự quan tâm hơn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc bổ sung, sửa đổi một số nội dung trong các nghị định hiện hành; đồng thời, tham mưu, đề xuất ban hành những nghị định mới phù hợp, giúp tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vướng mắc, trong đó có việc phát huy đa dạng sinh thái rừng, mở ra bước đầu việc khai thác có lợi ích từ rừng. Bộ NN&PTNT phải chủ trì phối hợp các ngành tham mưu trong hai lĩnh vực: Quản lý nhà nước về rừng và PCCC rừng. “Qua khảo sát và hội nghị lần này, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm tiếp nhận các đầu mối, yêu cầu về đầu tư hoặc kinh phí của các địa phương”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Đối với Bộ TN&MT, đồng chí yêu cầu Bộ chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông báo dự báo thời tiết đúng nhất, kịp thời nhất có thể. Bộ TT&TT tiếp tục có phương án chỉ đạo các cơ quan truyền thông thực hiện tốt việc tuyên truyền liên quan đến PCCC rừng từ đây đến hết mùa khô. Các bộ, ngành khác, theo chức trách nhiệm vụ của mình, cũng phải tích cực vào việc này.
Với nhóm các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị, các địa phương phải hiểu, đây là việc của địa phương, trung ương chỉ hỗ trợ địa phương có điều kiện thuận lợi làm tốt các phần việc.
“Rừng trên đất các đồng chí thì các đồng chí phải có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, PCCC rừng, cho nên không được lơ là, chủ quan, đặc biệt đối với rừng kinh tế, bởi chuyển biến thời tiết rất phức tạp và ngày càng khó lường. Trong đó, phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương chuẩn bị chu đáo cho việc thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ khi xảy ra cháy rừng. Ngoài phần ngân sách của trung ương, các địa phương quan tâm chăm lo cho đời sống đội ngũ bảo vệ rừng. Đồng thời, tích cực ứng dụng công nghệ để làm tốt công việc hơn, thay vì muốn có thêm biên chế…
Thời gian tới, đồng chí mong các địa phương lưu tâm đến những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng như: Di dân tự do, canh tác ở khu vực giáp ranh với rừng; đồng thời yêu cầu lực lượng công an tham mưu địa phương tuyên truyền về phòng chống cháy rừng…
NGỌC TÚ