Chiến thắng Ðiện Biên Phủ - cơn địa chấn toàn cầu
Ðiện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, đồng thời cổ vũ, thúc đẩy và mở ra một thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc trên thế giới.
Năm 1954, thực dân Pháp có tới 32 lãnh thổ thuộc địa ở châu Phi, chiếm 90% hệ thống thuộc địa Pháp trên thế giới. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi bắt đầu lật sang trang mới.
Tướng De Castries bị bắt tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Điển hình cho phản ứng dây chuyền từ Điện Biên Phủ là Algeria. Nhân dân Algeria đã phát động khởi nghĩa vũ trang. 8 năm sau đó, người Pháp buộc phải thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Algeria, chấm dứt vĩnh viễn nền thống trị hơn 130 năm tồn tại của chủ nghĩa thực dân trên đất nước có diện tích lớn nhất lục địa đen này.
Theo ông Mourad Lamoudi, Cố vấn Tổng Thư ký, phụ trách Đối ngoại Mặt trận Giải phóng Dân tộc Algeria, các dân tộc thuộc địa thời điểm đó rất ngưỡng mộ chiến thắng Điện Biên Phủ, hết sức yêu mến dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo cảm hứng cho các nước thuộc địa, mở ra hy vọng cho các dân tộc khác, nhất là những nước bị Pháp đô hộ như Algeria và các nước ở Nam Phi, Tây Phi, Trung Phi. Cũng rất thú vị là ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cách mạng Algerie bùng nổ vào ngày 1.11.1954, lấy cảm hứng và học tập theo cuộc cách mạng của Việt Nam.
Không chỉ ở châu Phi, chiến thắng Điện Biên Phủ còn có ý nghĩa với toàn bộ khu vực Đông Dương. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, báo L’Unione Sarda (Italy) vừa có bài viết ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, sẵn sàng hy sinh, quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ này.
Với tựa đề “Việt Nam, bài học vẫn còn áp dụng tới ngày nay”, tác giả Antonio Barracca đã ca ngợi Việt Nam - một quốc gia nghèo, chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng lại có sức mạnh có thể 2 lần đánh bại quân đội của hai cường quốc Pháp và Mỹ.
Câu chuyện về một đất nước nhỏ bé nhưng vô cùng anh dũng, kiên cường đã được lột tả qua lời kể về một chuyến thăm tới Việt Nam của tác giả chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc.
Antonio Barracca khẳng định chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã trở thành trận đánh quyết định chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược (1945 - 1954) ở Đông Dương, với thắng lợi hoàn toàn thuộc về nhân dân Việt Nam và giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Thắng lợi này có sức ảnh hưởng lan rộng đến toàn bộ Đông Dương; buộc thực dân Pháp phải đặt bút ký vào Hiệp định Geneva vào ngày 21.7.1954, chấp nhận rút toàn bộ quân khỏi khu vực.
Theo Antonio Barracca, chiến thắng Điện Biên Phủ mang tính đột phá không chỉ đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do từ tay chủ nghĩa thực dân và đế quốc mà còn đối với các phong trào giải phóng ở Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung.
Mới đây, trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Anh nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Kyril Whittaker - nhà nghiên cứu lịch sử và chính trị Việt Nam và đảng viên Đảng Cộng sản Anh, khẳng định Cách mạng Việt Nam, trong đó có chiến thắng Điện Biên Phủ, đã tác động sâu sắc tới toàn thế giới, thể hiện sức mạnh giải phóng của nhân dân chống chủ thực dân và đế quốc vì hòa bình và độc lập dân tộc.
Nói về tầm vóc của chiến thắng Điện Biên Phủ, tờ báo hàng đầu của Mỹ là New York Times ra ngày 6.5.1954 đã viết: Vài tháng trước còn chưa ai được nghe về thung lũng xa xôi ở khu rừng rậm Đông Nam Á này, nhưng từ hôm nay, 3 tiếng Điện Biên Phủ vang vọng trên khắp thế giới và đi vào lịch sử như một trận đánh được viết thành sử thi. Từ Điện Biên Phủ có thể bị phát âm sai, nhưng trên môi mỗi chúng ta, nó vẫn là từ đồng nghĩa với những phẩm chất như quả cảm, bền bỉ. Đó chính là những gì đem lại vinh quang cho nhân loại.
Suốt chiều dài lịch sử 70 năm qua, chiến thắng Điện Biên Phủ luôn được nhìn nhận như một cơn dư chấn trong đời sống chính trị nhân loại. Mãi mãi về sau, các thế hệ người Việt Nam luôn có quyền tự hào khi nhắc đến sự kiện này.
HOÀI NHÂN