Thương nhớ cua đồng
Lên thành phố trọ học, rồi lập nghiệp đã gần chục năm, nhưng tôi vẫn không quên được những món ăn của quê. Bạn vẫn cười tôi như thế. Mùa này đang là mùa cua đồng. Sau bữa cơm tối, gọi điện cho má, tôi hỏi thăm sức khỏe và không quên hỏi đến món cua đồng. Vẫn điệu cười sang sảng đó, má chọc tôi “Dễ đến chục năm rồi chi bây, mà nhớ dai dữ hè!”.
Cua đồng có hai mùa: Một vào vụ gặt hè thu, một vào vụ đông xuân. Vụ này cua không được ngon và béo như vụ hè thu, sau mùa gặt. Thời điểm cua ngon nhất là khi lúa đang làm đòng. Mấy trận mưa rào mùa hạ ập xuống, mát nước, được đà cua sinh sôi nảy nở. Con nào con nấy béo múp, gạch căng tràn. Nhưng thời điểm đó người dân quê tôi chỉ bắt cua ở các con mương, kênh, rạch chứ không len vào bờ kè của lúa vì sợ phấn lúa rơi rụng. Đợi đến khi gặt xong mới bắt cua ở ruộng.
Cái thời bé xíu, má tôi bảo “chưa đủ tuổi” nên chưa cho tôi đi bắt cua. Cua thường đào lỗ sâu, không khéo thì cả buổi không bắt được con nào mà tay chân còn bị xây xát. Không may, lỗ đó có con rắn nào đang nấp thì nguy hiểm đến tính mạng nữa. Nói đến rắn mặt mày tôi tái mét, ham lắm thì cũng chỉ biết đứng coi bọn bạn bắt đến độ thèm thuồng. Tôi chỉ còn có nước xin má một chân phụ, xách xô cho má. Má đi quanh dọc các bờ kè, một cách lẹ làng và rất điệu nghệ, chân phải má quỳ xuống, chân trái má co, mặt ghé sát mép kè và cho tay vào lỗ. Chừng hai phút, từng con một má lôi ra, tôi chỉ việc chìa xô cho má bỏ vào.
Cua đồng mang về cho vào xô nhựa, cho nước ngập cua và dùng que đảo nhiều vòng để sạch đất, cho cua “say” và không bị kẹp vào nhau. Công đoạn tiếp theo là bắt khéo léo từng con một tách bỏ mai, yếm, rửa nước lạnh vài lần cho sạch, để ráo. Tôi háo hức phụ má khèo gạch cua trong mai ra một chiếc bát nhỏ. Má chế biến cua đồng thành nhiều món: canh cua, bún, luộc, rang… Cái cảm giác đám trẻ con xúm quanh nồi cua luộc nghi ngút khói, cầm mai cua húp phần gạch lẫn nước ngọt lịm. Cua rang thì tranh nhau con to để ăn cọng cho nhiều thịt…
Ba làm sẵn một chiếc cối đá, đẽo chày gỗ để giã cua. Cua đã sơ chế má cho vào cối giã nhuyễn, cho nước vào rồi khuấy đều lên rót vào nồi. Trên miệng nồi bít kín một tấm khăn màn mỏng để gạn bã, làm cho đến khi nước trong. Sau cùng thì cho nước cua vào nồi, bắc lên bếp nấu sôi, vài phút sau, nhẹ tay sơ đều để riêu không bị dính dưới đáy nồi. Để liu riu lửa tránh cho cua bị trào. Phần gạch cua để cho có mùi vị, dậy mùi thơm ngon nên phi một chút hành mỡ, gia vị vừa đủ thả cùng với nồi nước dùng. Với canh thì có thể cho rau ngót, lá khoai lang hay mớ rau tập tàng thái nhỏ ăn đều ngon. Có hôm, mẹ đổi món cho cả nhà, mua độ nửa cân miến gạo cho vào từng tô và chan nước riêu cua lên.
Cua đồng nhiều chất. Thuở xưa nhà nghèo, trong bữa ăn chỉ độc hai món canh và rau thôi. Giờ học lên, rồi đi làm ở thành phố, thèm bát riêu cua có thể chạy ra đầu ngõ là có ngay một tô nóng hổi. Cũng là cua đồng nhưng sao tôi ăn không thấy ngon, ngọt như xưa. Tôi biết vị cua xưa tôi ăn đượm tình yêu của quê hương, của má nên mới ngon ngọt như vậy.
CAO VĂN QUYỀN