Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2024)
Chuyện một kỹ sư chỉ huy mở đường tại mặt trận Điện Biên
LTS: Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, Báo Bình Định xin giới thiệu bài viết của nhà báo Kim Toàn về kỹ sư Nguyễn Xuân Chúc - một người con của đất Cảng Hải Phòng. Ông Nguyễn Xuân Chúc chính là người chỉ huy mở đường tại Cò Nòi, Mai Sơn (Sơn La) trong chiến dịch huyền thoại năm nào. Qua bài viết, chúng ta sẽ hiểu sâu sắc thêm về một người con Việt Nam trong hàng triệu con người Việt Nam bình dị và kiên cường, đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên vĩ đại của dân tộc.
10 năm trước, khi tôi gặp ông thì ông đang ở tuổi 83. Những lúc trái gió trở trời, ông thường phải gồng lên chống chọi với những cơn đau nhức tái phát từ các vết thương do bị mảnh bom của thực dân Pháp cách đây trên 60 năm, trong lúc ông chỉ huy phá bom nổ chậm tại ngã ba Cò Nòi, Mai Sơn (Sơn La) để bảo đảm giao thông cho mặt trận. Ông là Nguyễn Xuân Chúc, ở số nhà 101 phố Quang Trung, quận Hồng Bàng (thành phố Hải Phòng). Được nghe ông kể về những năm tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, tôi càng thêm quý mến và tự hào về người con của miền biển Hải Phòng đã góp phần cùng đồng đội và toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nhiệm vụ bí mật và nặng nề
Thoát ly gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp từ khi mới 15 tuổi, sau ba năm được học tập tại Trường cao đẳng kỹ thuật Việt Nam và hai năm tham gia chỉ huy trên các công trường làm đường giao thông tại rừng núi hiểm trở như Sơn Dương, Yên Bình (Tuyên Quang), năm 1952, chàng trai Nguyễn Xuân Chúc, tuổi 20 được Giám đốc Nha Giao thông cử đi công tác đặc biệt. Tối hôm ấy, cả nhóm lập tức lên đường trong không khí phấn khởi, náo nức.
Tới nơi tập kết, các anh được thông báo ngay “nhiệm vụ bí mật và nặng nề” do Trung ương giao. Theo kế hoạch, các anh phối hợp với các địa phương, đơn vị, tìm cách khảo sát, cắm tuyến, chuẩn bị mở con đường lớn xuyên rừng núi Tây Bắc, nối từ U Lâu (Yên Bái) bên sông Hồng đến Tạ Khoa (Sơn La) bên sông Đà. Tuyến đường mang tên “Đường 13” chia làm ba đoạn: Đoạn từ U Lâu đến Ba Khe là đường ô tô cũ bị hư hỏng, chỉ cần cải tạo; đoạn từ Ba Khe đến Tạ Khoa phải làm mới hoàn toàn. Còn đoạn từ Tạ Khoa đến Cò Nòi sẽ giao sau. Tuyến đường dài 143 km này phải bảo đảm ô tô kéo pháo đi được và phải hoàn thành trong 10 tháng. Như vậy, công trường chỉ có một tháng để chuẩn bị từ khảo sát, cắm tuyến, lập kế hoạch đến việc đón dân công tới làm đường.
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7.5.1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Nguyễn Xuân Chúc được đồng chí Phan Mỹ, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch, Trưởng Ban Chỉ huy và anh Vũ Đức Thận, Phó Ban chỉ huy Công trường 13 phân công cùng một số cán bộ kỹ thuật đưa đi khảo sát mở đoạn đường trên địa bàn tỉnh Sơn La, từ chân đèo Lũng Lô tại ngã ba Mường Cơi đến Tạ Khoa.
Rời Thượng Bằng La vào Phù Yên, anh cùng nhóm công tác vẫn tức tốc luồn rừng, vượt dốc, theo bản đồ quân sự để tìm hướng đi. Liên tục ba ngày đêm đói cơm, thiếu muối, các anh chia nhau từng củ rừng, hạt lạc rang để lấy sức vừa đi vừa khảo sát. Tranh thủ từng phút, từng giờ, không quản đói, mệt, dìu nhau vượt qua đoạn cuối dãy Hoàng Liên Sơn rồi theo đường đèo Đá Xô để đến bản Thầy.
Đang nóng lòng mong chờ cán bộ kỹ thuật cầu đường của Trung ương, thấy anh Chúc và các anh tới, cả công trường mừng rỡ và cảm động. Trưởng Ban chỉ huy công trường Nguyễn Văn Lợi thông báo: Nhận được lệnh của cấp trên, những ngày qua, Tỉnh ủy Sơn La đã huy động hàng nghìn dân công tới đây làm đường. Các đội dân công đều hăng hái làm việc nhưng rất lúng túng vì không có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn.
Anh Chúc và anh Nguyễn Thanh Dục phụ trách phần đường dài 45 km, từ Mường Cơi đến Suối Sập. Ròng rã suốt nửa năm trời lăn lộn tại vùng núi rừng heo hút này, anh cùng Ban chỉ huy công trường và các đội dân công gồm nam nữ thanh niên các dân tộc của hai huyện Phù Yên (Sơn La), Thanh Sơn (Phú Thọ) đương đầu với mọi gian khổ, hiểm nguy. Dùng sức người bạt núi, san đồi, hạ cây, khiêng gánh đất, đá trong điều kiện bí mật và thiếu thốn lương thực, thực phẩm, thuốc men, mọi người còn phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của vùng Tây Bắc, đối phó với bệnh sốt rét rừng quái ác và sự rình rập bắn phá của máy bay giặc Pháp. Nhưng toàn công trường đã hoàn thành xuất sắc việc mở tuyến đường ô tô từ Mường Cơi tới Tạ Khoa đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng.
Cuối năm 1953, anh Chúc được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp tục cùng anh Dương Bạch Liên (sau này là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) và Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh Nguyễn Văn Đoan mở đoạn đường cuối cùng: Từ Tạ Khoa qua đèo Chẹn đến ngã ba Cò Nòi (nay là QL 6) để lên Điện Biên Phủ. Lần này, anh Chúc được giao phụ trách hai đội chủ lực cầu đường, một đại đội thanh niên xung phong và ba đại đội dân công hỏa tuyến, làm việc tại ngã ba Cò Nòi. Ngã ba này như cửa ngõ của hậu phương ra tiền tuyến. Nhiều đơn vị bộ đội, dân công, thanh niên xung phong hành quân từ Thanh Hóa, Nghệ An tới và từ các tỉnh Việt Bắc sang đều phải qua Cò Nòi trước khi lên Điện Biên. Biết đây là nút giao thông huyết mạch của ta trên đường 13 nên hầu như ngày nào máy bay quân Pháp cũng ném bom, bắn phá.
Hơn ba tháng vừa khảo sát, cắm tuyến vừa trực tiếp chỉ huy các đơn vị mở đường dưới mưa bom, bão đạn, Nguyễn Xuân Chúc cùng các đội viên thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến tỏ rõ sự kiên cường, dũng cảm của tuổi trẻ Việt Nam. Để đường luôn thông, bảo đảm mỗi đêm ít nhất có một trăm chuyến xe vận tải quân sự qua Cò Nòi lên mặt trận, không ít người đã đổ máu và anh dũng hy sinh tại trọng điểm này.
Trong lần chỉ huy một tiểu đội xung kích thuộc Đại đội 226 chủ lực cầu đường chuẩn bị phá bom nổ chậm của địch, anh và cả tiểu đội đều bị thương do bom nổ bất ngờ, riêng anh bị thương vào đầu, vai trái và hai chân, phải cấp cứu ở bệnh xá dã chiến của thanh niên xung phong.
Tỏa sáng tinh thần, ý chí Điện Biên
Khi tôi gặp ông Nguyễn Xuân Chúc, ký ức về cuộc mở đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa còn nguyên vẹn như vừa mới hôm nào.
Đặc biệt, ông Chúc không thể quên được món quà đặc biệt do Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng. Ông kể: “Một hôm chúng tôi đang mở đường thì nhận được lệnh của cấp trên chuẩn bị đón một đoàn khách đặc biệt sắp đi qua ngã ba Cò Nòi để tới Điện Biên. Cấp trên yêu cầu chúng tôi lập ngay phương án đón và đưa đoàn khách đi thật chu đáo, bảo đảm tuyệt đối bí mật và an toàn. Đoàn bất ngờ xuất hiện, chúng tôi vui sướng nhận ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người có dáng tầm thước, gương mặt chữ điền, cương nghị mà hiền từ, đi đứng nhanh nhẹn. Đó chính là vị khách đặc biệt quan trọng mà chúng tôi có nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ.
Theo phương án đã định, chúng tôi sắp xếp để xe ô tô của Đại tướng vẫn đi theo tuyến đường chính đang mở. Thực ra, chúng tôi dẫn Đại tướng đi bộ theo con đường mòn bí mật, xuyên rừng núi, tránh đoạn đường máy bay địch thường bắn phá, rồi mới đi tiếp tới Điện Biên. Con đường tắt này có đoạn qua khu lán trại - nơi đặt “trụ sở dã chiến” của ban chỉ huy chúng tôi. Khi đoàn đến gần khu lán trại, chúng tôi mời Đại tướng dừng chân, ghé vào lán nghỉ ngơi một lát. Vào lán, Đại tướng thân mật bắt tay và chào hỏi tất cả anh chị em có mặt. Đại tướng hỏi tôi tỉ mỉ về từng đơn vị, từng lực lượng mà tôi phụ trách, về các thủ đoạn đánh phá của máy bay địch và những khó khăn, gian khổ mà anh chị em chúng tôi phải chịu đựng. Trong câu chuyện, tôi đã báo cáo với Đại tướng là thiếu món… thuốc lào.
Câu chuyện lúc nghỉ chân trên đường công tác tại mặt trận giữa vị Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam với đơn vị bảo đảm giao thông chúng tôi tưởng sẽ qua đi, nhưng vị Đại tướng Tổng Tư lệnh của Quân đội ta dù bận trăm công nghìn việc vẫn nhớ đến một nguyện vọng rất nhỏ trong sinh hoạt của các chiến sĩ. Thật bất ngờ và cảm động là chỉ sau đó ít ngày, Đại tướng đã gửi một sọt thuốc lào tặng chúng tôi.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Chúc được phân công tiếp tục làm việc tại Sở Giao thông Khu tự trị Tây Bắc, rồi về Ty Giao thông tỉnh Sơn La. Hơn 11 năm gắn bó với miền Tây Bắc của Tổ quốc, với tinh thần, ý chí của chiến sĩ Điện Biên Phủ và truyền thống “mở đường thắng lợi”, ông tham gia mở nhiều tuyến đường như: Mai Sơn - Sông Mã, Cò Nòi - Nà Dit, Mộc Châu - Pa Háng, Vạn Yên - Xồm Lồm, mỏ than Hang Mon… và xây dựng một loạt cầu như: Suối Sập, Suối Cao, Tà Vài, Chiềng Đông, Sơn La, Suối Muội, Chiềng Pấc… trên đường 13 và đường 41. Ông còn tham gia thành lập Trường kỹ thuật sơ cấp giao thông, trực tiếp đào tạo hàng trăm cán bộ kỹ thuật là con em các dân tộc Thái, Mông, Mường, góp phần phát triển giao thông vùng cao.
Những năm gắn bó với Tây Bắc trong hòa bình, chàng trai Nguyễn Xuân Chúc và cô gái Hà Thị Phượng, dân tộc Thái, đội viên thanh niên xung phong từng tham gia bảo đảm giao thông trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quê ở Mường Chùm, huyện Mường La, đã nên duyên chồng vợ.
Chín năm sau (từ 1964 đến 1972), khi quân và dân ta chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, ông Nguyễn Xuân Chúc (lúc đó là kỹ sư cầu đường thuộc Cục Công trình 1 và Cục Quản lý đường bộ, Bộ Giao thông - Vận tải), với tinh thần và ý chí Điện Biên, đem hết sức mình phục vụ mặt trận cầu - đường, góp phần bảo đảm giao thông tại tuyến lửa Khu Bốn, suốt từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Hà Tĩnh, Quảng Bình - nơi thường xuyên bị máy bay, tàu chiến Mỹ đánh phá ác liệt…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, trở về công tác tại Hải Phòng, vốn rất tâm huyết với ngành cầu đường, kỹ sư Nguyễn Xuân Chúc được nhiều người quý mến vì những ấn tượng tốt đẹp trong lĩnh vực xây dựng cầu tại thành phố Cảng quê hương.
Đối với kỹ sư Nguyễn Xuân Chúc, những công trình cầu đường mà ông cùng đơn vị từng đổ mồ hôi và cả máu để góp phần xây dựng từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đặc biệt là các công trình mở đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, cho đến thời kỳ hòa bình luôn là niềm tự hào và kỷ niệm sâu sắc ông không thể nào quên.
Nhà báo KIM TOÀN
(Nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Phòng - ghi theo lời kể của kỹ sư Nguyễn Xuân Chúc)