Bộ GD&ĐT “tuýt còi” các trường đại học yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm
Bộ GD&ĐT quy định, các trường đại học không yêu cầu, thỏa thuận với thí sinh cam kết hoặc xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào.
Thông tin trên được Bộ GD&ĐT nêu rõ trong hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2024 ban hành mới đây. Theo đó, Bộ GD&ĐT cho phép các trường đại học tổ chức xét tuyển sớm thông qua các phương thức tuyển sinh (xét học bạ, xét chứng chỉ, xét kết hợp, xét điểm thi đánh giá...) trừ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Khi thực hiện xét tuyển sớm, các trường buộc phải đăng tải toàn bộ thông tin thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển lên hệ thống chung của Bộ trước ngày 10.7.
Để đảm bảo công tác tuyển sinh không xáo trộn, hoang mang cho thí sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị các trường không được phép yêu cầu, thỏa thuận với thí sinh cam kết hoặc xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp phí giữ chỗ, thu trước hồ sơ...). Đặc biệt, sau khi đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm, các trường tuyệt đối không được điều chỉnh tăng - giảm điểm hay xét tuyển lại.
Bộ GD&ĐT tuýt còi các trường đại học yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học sớm. (Ảnh minh họa)
Trong hướng dẫn tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng quy định, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường điều chỉnh và công khai mức điểm nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển với các tổ hợp xét tuyển khác nhau trên trang thông tin điện tử của trường và cập nhật vào hệ thống.
Với các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, các trường sử dụng kết quả điểm thi THPT để xét tuyển phải cập nhật ngưỡng đầu vào chậm nhất 17 giờ ngày 22.7.
Bộ yêu cầu việc điều chỉnh đề án tuyển sinh phải đảm bảo đúng quy định và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường (ví dụ: cơ sở dữ liệu mở thêm ngành mới; số lượng thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu dự kiến một số ngành nên cần điều chỉnh chỉ tiêu dư cho các ngành gần trong nhóm ngành…)
Việc áp dụng quy định về điểm ưu tiên cho tất cả phương thức xét tuyển đúng quy định của quy chế tuyển sinh. Bộ lưu ý không được yêu cầu thí sinh phải đăng ký nguyện vọng 1 trên hệ thống mới được xét tuyển (trừ trường hợp thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội).
Sau khi hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT lọc ảo và trả kết quả điểm chuẩn, xác trường phải quy định tất cả thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại trường.
Các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 19.8 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17 giờ ngày 27.8 (kể cả đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ từ ngày 18.7 và được điều chỉnh nguyện vọng, không giới hạn số lần, đến 17 giờ ngày 30.7.
Từ ngày 31.7 đến 17 giờ ngày 6.8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.
Chậm nhất ngày 21.7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với khối ngành sức khỏe và sư phạm, rồi xử lý nguyện vọng xét tuyển của thí sinh từ ngày 13.8 đến 17 giờ ngày 17.8.
Trước 17 giờ ngày 19.8, các trường phải công bố điểm chuẩn, thông báo cho thí sinh trúng tuyển đợt 1, sớm hơn so với năm ngoái 3 ngày. Đến 17 giờ ngày 27.8, thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức trong hai ngày 27 và 28.6. Trong đó, thí sinh làm bài thi Toán và Ngữ văn vào ngày 27.6. Ngày 28.6, thí sinh làm bài thi Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Bộ GD&ĐT dự kiến công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 từ 8 giờ sáng 17.7. Nếu thắc mắc về kết quả, thí sinh có 10 ngày để làm đơn phúc khảo. Thời gian xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh chậm nhất ngày 19.7.
Theo HÀ CƯỜNG (VTC News)