Có một “Ðiện Biên Phủ” ở Liên khu 5
Chiến thắng Ðak Pơ lịch sử vào ngày 24.6.1954 là trận giao thông chiến lớn nhất trong suốt chiều dài kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, được ví như một “Ðiện Biên Phủ” ở Liên khu 5. Ðây cũng là trận đánh bồi tiếp sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ góp phần đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Ðông Dương.
Hậu phương Bình Ðịnh
Sau ngày tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt vào ngày 7.5.1954, lực lượng quân Pháp ở Đông Dương vẫn còn đông, nhưng tinh thần nhanh chóng bị suy sụp. Quân Pháp ở Đông Dương co cụm chiến lược nhằm bảo toàn lực lượng, chờ kết quả đàm phán tại Genève. Ở Tây Nguyên, quân Pháp rút khỏi các đồn nhỏ lẻ co cụm lực lượng về các thị xã, thị trấn, hình thành từng Khu vực phòng ngự như An Khê, Pleiku, Buôn Ma Thuột.
Quán triệt tinh thần chủ động tiến công địch, phối hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao của Trung ương Đảng, trực tiếp là Khu ủy Khu 5, Đảng bộ tỉnh Bình Định đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh làm tròn vai trò của hậu phương trong kháng chiến chống Pháp, nhất là đảm bảo chi viện tối đa sức người sức của cho các chiến trường.
Trong đó, giai đoạn 1946 -1953, đất và người Vĩnh Thạnh đã có những đóng góp đáng kể về nhân tài - vật lực làm tròn nhiệm vụ một địa phương vừa là tiền tuyến của quân dân tỉnh Bình Định, vừa là hậu phương trực tiếp của huyện An Khê và tỉnh Gia - Kon. Đến đầu tháng 1.1954, Tỉnh ủy Bình Định họp, quyết định: Huy động mọi nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh khẩn trương chuẩn bị và ra sức chiến đấu bảo vệ vùng tự do, đồng thời tích cực phục vụ đắc lực cho chiến dịch Bắc Tây Nguyên giành thắng lợi lớn.
Dồn sức cho chiến trường Tây Nguyên, trong 6 tháng đầu năm 1954, tỉnh ta đã huy động hơn 428 nghìn lượt dân công, trong đó có 7 đợt với 130 nghìn lượt dân công hỏa tuyến. Các huyện có số dân công hỏa tuyến đông là: Hoài Nhơn (22.000 lượt), Phù Mỹ (20.000 lượt), Phù Cát (14.000 lượt)… Dân công Bình Định đã sát cánh cùng bộ đội hành quân đánh địch từ Kon Tum đến Cheo Reo, Ai Nu, Đak Pơ… Sau khi phục vụ chiến trường 3 tháng liền, Đội dân công các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ đã lập tiếng vang khắp Mặt trận khi xung phong phục vụ 1 tháng nữa. Đóng góp này lập tức được Ban Dân công mặt trận biểu dương.
Cán bộ, hội viên Hội CCB tỉnh tham quan Nhà lưu niệm Chiến thắng Đak Pơ. Ảnh: B.S
Từ cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, Bình Định đã tổ chức một Tổng Đội TNXP hỏa tuyến tập trung gồm nhiều đội, mỗi đội biên chế khoảng 60 người, sát cánh chiến đấu cùng bộ đội, phục vụ chiến đấu.
Có thể nói chính sự đảm bảo của Bình Định về nguồn lực đã tạo nền tảng vững chắc để quân ta xông lên giành chiến thắng ở mặt trận Bắc Tây Nguyên và đặc biệt là chiến thắng lịch sử Đak Pơ.
Trận phục kích đánh giao thông có một không hai
Tháng 6.1954, tại chiến trường An Khê, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 nhận định: Sau 2 tháng bị bao vây và nghe tin Điện Biên Phủ thất thủ, Binh đoàn 100 của địch sẽ rút bỏ An Khê. Đúng như dự đoán, ngày 23.6.1954, trinh sát ta phát hiện Binh đoàn 42 giãn ra chiếm các điểm cao trên đường 19 đoạn Pleiku - Mang Yang. Đêm 23.6, địch dùng máy bay di tản gia đình binh sĩ, công chức, người Hoa khỏi An Khê.
“Trận chiến này thắng lợi là nhờ quân ta luôn ở thế chủ động; bộ đội ta có tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm cộng thêm địa hình của ta thuận lợi, địch ở dưới thấp, ta phục kích ở trên cao nên chúng càng bị động, tan tác”.
CCB THÁI DIỆP
Đã hơn 90 tuổi, nhưng ký ức về chiến thắng Đak Pơ năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức người lính già Thái Diệp (nguyên chiến sĩ Trung đoàn 96, quê huyện Phù Mỹ, hiện ở thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai). Ông Diệp kể, đêm 23.6, ông cùng đồng đội nhận lệnh hành quân cấp tốc vừa đi vừa chạy từ nơi đóng quân tại huyện Vĩnh Thạnh đến địa phận Đak Pơ. Trong tiết trời khô lạnh, cả Trung đoàn cắt rừng để ém quân dọc đường 19 từ cầu Đak Pơ đến đồi Dốc Đói để triển khai chiếm lĩnh trận địa phục kích trước khi trời sáng. “Dù hành quân liên tục không ngừng nghỉ với muôn vàn khó khăn, mệt mỏi nhưng đến khi đánh giáp lá cà, bộ đội ta vô cùng dũng cảm. Quân địch tháo chạy tìm đường thoát thân bị quân ta bắt lại rất nhiều”, ông Diệp nhớ lại.
Đến 12 giờ 30 phút ngày 24.6, toàn bộ Binh đoàn GM 100 với gần 400 xe quân sự các loại và gần 4.000 tên địch đã lọt vào trận địa phục kích của ta trên đoạn đường dài 3 km từ Katung đến Đak Pơ. Chiếc xe đi đầu vừa đến Dốc Đói đã bị hỏa lực của ta bắn cháy quay ngang giữa dốc, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, cả đoàn xe ùn tắc. Bộ đội Trung đoàn 96 bằng tất cả hỏa lực tập trung tiêu diệt địch, xông lên đánh giáp lá cà.
Đến 19 giờ 30 phút cùng ngày, quân ta đã làm chủ hoàn toàn trận địa. Những tên còn sống sót bỏ lại vũ khí trang - thiết bị, bỏ mặc cho số địch bị thương vong, tàn quân chạy tháo thân. Quân ta toàn thắng, tiêu diệt trên 500 lính, 600 tên bị thương, bắt 800 tên; thu 375 xe các loại, 20 đại bác và hàng nghìn súng các loại...
Có thể nói, chiến thắng Đak Pơ đã đạt được thắng lợi trọn vẹn cả về quân sự và chính trị. Chiến thắng này đã góp phần cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc phái đoàn của Pháp phải đàm phán nghiêm chỉnh, tiến tới việc ký kết các hiệp định đình chỉ chiến sự trên toàn Đông Dương, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
HỒNG PHÚC