Nhà thơ trẻ Trần Quốc Toàn: Ðọc và đi để kết nối trải nghiệm
Mang nhiều trăn trở của một người trẻ “mười năm một chặng đường đầy những suy tư”, Trần Quốc Toàn đã phải đọc, đi nhiều để dựa vào trải nghiệm, truyền tải những gì mình nghĩ ngợi bằng giọng thật của chính mình.
Trần Quốc Toàn (bút danh Nhiên Đăng, SN 1992, quê ở Tuy Phước, hiện đang làm việc tại Hội VHNT tỉnh) là một trong những tác giả trẻ của Bình Định. Bắt đầu sáng tác từ thuở học sinh phổ thông, đến năm 2013, anh hăng say hơn khi tác phẩm của anh bắt đầu xuất hiện trên các báo, tạp chí trong nước như: Văn nghệ Bình Định, Sông Hương, Văn nghệ Quân đội…
10 năm nay, trong thơ của Trần Quốc Toàn luôn có hình ảnh về chim muông, cỏ cây, hoa lá, dòng sông, tháp cổ. Ít khi nói về tình yêu nam nữ, anh đã từ thiên nhiên, sự nhạy cảm về hương hoa để khởi đầu cho dòng cảm xúc rồi nghĩ ngợi và bày tỏ tấm lòng nặng trĩu tâm tư về quê nhà.Với “Ngả lưng vào ghế”, anh nhớ về những kỷ niệm trong quãng thời gian viết thơ: “Hoa nhài thơm trong nắng/ bầy chuồn chuồn quần thảo trên đám khổ qua/ nhớ một người bạn đã mất, chú chó vện sống mười hai năm/ ngả lưng vào ghế/ thấy đời nhẹ tênh/như sông trôi, mây trôi và gió thổi…”.
Nhà thơ Trần Quốc Toàn. Ảnh: K.VY
Hay hình ảnh người bà ngồi bên bếp lửa, những câu chuyện bà kể bên ánh đèn dầu, rồi hình ảnh bà ra đi là một phần trong ký ức mà hễ khi nhắc đến lại đầy hoài niệm:“Tháng Bảy, đôi mắt bà buồn và sâu hơn/ bà trút hơi thở cuối cùng lúc đàn kiến khuân từng viên sỏi lên khỏi mặt đất/ lá vàng làm nên mùa thu/ với những âm thanh vụn vỡ...” (trích “Đảnh lễ mùa màng”).
Trần Quốc Toàn còn là một người trồng cây cảnh bán chuyên nghiệp. Anh tâm sự: Tôi không chắc mình có phải là một người nhạy cảm không, nhưng tôi cảm nhận giữa mình và thiên nhiên cây cối, hoa, mây trời dường như có sự kết nối - mà tôi hay gọi là sợi dây linh giác. Tôi trĩu buồn khi nhìn thấy những thứ vốn quen thuộc đã từng gắn bó với mình đang dần mất đi.
Trở lại Bình Định vào năm 2019 sau hơn 7 năm học tập và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, việc sáng tác làm anh cảm thấy mình mới mẻ hơn mỗi ngày khi vừa đọc vừa đi. Sau 10 năm liên tục đọc để ngẫm nghĩ và đi để khám phá, chiêm nghiệm… Anh chắt lọc, khắc họa từ miền nhớ, lưu giữ cẩn trọng nhiều hình ảnh trong Linh giác trắng (xuất bản vào năm 2023). Đây tập thơ đầu tay của anh. Toàn chia sẻ: Việc viết với tôi như thói quen hằng ngày, như cách nói của thầy tôi - nhà văn Nguyễn Thanh Hiện là “Với tôi, ngày nào không nghĩ, không viết, không đọc, lại cảm thấy như mình đang mất mát cái gì đó. Mà người cầm bút, nếu không đọc, thì sẽ thấy mình cũ đi…”.
Không chỉ trải lòng lên những trang thơ, văn xuôi cũng là một thể loại được Toàn chăm chút đầu tư. Anh cho biết đang “thai nghén” một tiểu thuyết và dần hoàn thiện ở những chương cuối. Huyền sử, câu chuyện nửa thực nửa hư huyền, hay chuyện tưởng chừng như đã lãng quên của đời sống làng quê… sẽ được xuất hiện trong Mưa cố thổ, hứa hẹn mời đón bạn đọc vào một ngày gần nhất.
Một số giải thưởng Trần Quốc Toàn đạt được trong thời gian qua:
Giải ba cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn Bình Định năm 2018 - 2019 do Hội VHNT tỉnh tổ chức.
Giải khuyến khích cuộc thi viết Thương nhớ miền Trung do báo Thanh niên tổ chức năm 2021.
Giải ba (thơ) cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài Cựu chiến binh tỉnh Bình Định trong thời kỳ đổi mới do Hội VHNT tỉnh phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức năm 2022.
Giải nhất cuộc thi Thơ hay 2023 do Tạp chí VHNT TP Hồ Chí Minh tổ chức.
KIỀU VY