Dấu ấn nghệ nhân
Ngày hội Văn hóa - Thể thao (VH-TT) các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh qua các kỳ tổ chức đã mang lại ý nghĩa và hiệu quả to lớn trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Góp phần vào thành công ấy, phải kể đến vai trò vô cùng lớn của những nghệ nhân “gạo cội” ở địa phương.
Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong tỉnh cần có những biện pháp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời hơn để tránh nguy cơ “đứt gãy” trong kế thừa, tiếp nối.
Lực lượng nòng cốt
Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh năm nay tiếp tục cho thấy sự cống hiến không mệt mỏi và vai trò quan trọng chưa thể thay thế của đội ngũ nghệ nhân văn hóa lão làng ở các huyện miền núi. Đó là những Đinh Y Băng, Đinh Chương, Yang Nhi (huyện Vĩnh Thạnh); Đinh Văn Miên (huyện An Lão); Phan Chí Thành (huyện Phù Cát); Đinh Quát, Đinh Ty, Đinh Sơn (huyện Tây Sơn); Đinh Mí Khơn, Đinh Văn Sỹ, Đinh Bá Lợi, Đinh Văn Nghiệt (huyện Hoài Ân); Nguyễn Thị Ngọc Hương, Mang Ly, Đinh Văn Non (huyện Vân Canh)…
Xuyên suốt các Ngày hội VH-TT, họ đảm nhận hầu hết những phần việc quan trọng nhất như: hướng dẫn làm trại, nhà sàn đúng bản sắc, quy cách; dựng cây nêu; tái hiện các nghi thức cúng tế, lễ hội truyền thống; sáng tác, dàn dựng các tiết mục, tập luyện cho diễn viên và cả trực tiếp lên sân khấu biểu diễn.
Tại Ngày hội năm nay, “bộ ba” Đinh Y Băng, Đinh Chương, Yang Nhi (có tên khác là Trần Hạnh) đã cùng hợp sức tạo nên những chương trình thật sự hoành tráng, ấn tượng cho đoàn Vĩnh Thạnh, nhất là ở Liên hoan đàn, hát dân ca - diễn tấu cồng chiêng và Lễ hội dân gian. Trong khi đó, ở tuổi 85, nghệ nhân Chí Thành với nhạc cụ mõ cổ vũ độc đáo vẫn là thế mạnh riêng của huyện Phù Cát. Đến nay, Phù Cát vẫn chưa có người nào trẻ hơn thay ông tiếp quản nhạc cụ độc đáo này.
Không chỉ đảm nhận thực hiện những nghi thức truyền thống, các công việc mang tính “sân sau” như hướng dẫn, tập luyện biểu diễn, đệm nhạc cụ… ở các lần trước; Ngày hội năm nay, “đầu tàu” Đinh Văn Miên còn lên sân khấu biểu diễn một số tiết mục. Ở huyện Vân Canh, nghệ nhân biểu diễn trống kơ-toang Nguyễn Thị Ngọc Hương đã là cái tên quá quen thuộc, đóng vai trò nòng cốt, chủ lực trong các chương trình, nội dung thi. Có thể thấy, những nghệ nhân “gạo cội” này đã luôn vất vả suốt trước và trong thời gian diễn ra lễ hội. Chưa kể, những hoạt động văn hóa khác tại địa phương đều không vắng mặt họ.
Sau nghệ nhân Chí Thành (85 tuổi), ai sẽ đánh cổ vũ?
Nguy cơ “đứt gãy” trong kế thừa, tiếp nối
Sự góp mặt đều đặn của những nghệ nhân gạo cội, quen thuộc cùng vai trò nòng cốt của họ tại 12 lần tổ chức Ngày hội VH-TT miền núi cũng đồng thời nói lên tình trạng thiếu hụt người kế cận. Một bạn trẻ từng vài lần làm khán giả tại các kỳ lễ hội miền núi đã tâm sự: “Không khó để nhận ra những nghệ nhân chủ lực của từng huyện, hầu như đến hẹn họ lại có mặt, trở thành “linh hồn” trong mỗi chương trình, mỗi tiết mục của các đơn vị. Vui vì được thưởng thức tài nghệ, vốn quý dân gian mà họ nắm giữ, thể hiện; mừng vì họ còn khỏe để cống hiến; nhưng cũng buồn và lo khi những hạt nhân mới chưa đủ sức thay thế, kế thừa”.
“Trong Ngày hội lần thứ XI và XII gần đây, huyện An Lão chủ trương trẻ hóa đội hình, nhằm làm mạnh và hiệu quả hơn việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong thế hệ trẻ. Tuy đã từng bước phát hiện, tạo cơ hội phát triển cho một số hạt nhân, nhưng phần lớn còn mang tính phong trào. Nhiều vốn quý văn hóa dân gian, các nghi lễ truyền thống, khả năng chế tác và biểu diễn nhạc cụ ở trình độ cao… vẫn chưa có đội ngũ trẻ đảm đương vai trò tiếp nối”, ông Bùi Đức Phú, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện An Lão, cho biết.
Ông Hồ Việt Quốc, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Hoài Ân, tâm tư, trước mỗi kỳ diễn ra lễ hội miền núi, công tác vận động người dân tham gia gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt khi thời gian diễn ra ngày hội đúng vào mùa thu hoạch nông sản của đồng bào. Ông cho rằng, để đảm bảo cho sự trao truyền, tiếp nối đạt hiệu quả bền vững hơn, cần có sự ghi nhận ở tầm quốc gia dành cho những nghệ nhân đã có quá trình đóng góp to lớn, lâu dài.
“Nếu họ được xem xét, đạt các danh hiệu nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Nhà nước phong tặng, kèm theo những hỗ trợ về vật chất, sẽ là cơ sở để kêu gọi nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao hơn đối với thế hệ trẻ. Còn hiện nay, việc trao truyền, kế thừa vẫn dừng lại ở kêu gọi, phụ thuộc vào nhận thức, rất khó đạt hiệu quả như mong muốn”, ông Quốc nhận định.
SAO LY