Thâm canh cây dừa theo hướng hữu cơ: Nâng cao hiệu quả kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, khuyến khích phát triển cây dừa. Trong đó tập trung xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, canh tác tiên tiến, chú trọng phát triển cây dừa theo hướng hữu cơ, VietGAP. Qua đó, diện tích trồng dừa đã được mở rộng với năng suất, chất lượng cao, biến cây dừa thành một loại cây chủ lực mang lại thu nhập cho người dân. Tính đến năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 9.350 ha dừa, với sản lượng 111.358 tấn/năm, giá dừa ở mức cao nên thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể.
Người dân chăm sóc, cải tạo cây dừa ta. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Ông Phạm Văn Trưởng (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) cho biết: Nhờ được chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây dừa theo hướng hữu cơ với việc bón phân hợp lý, tưới nước, cùng với những biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đã giúp cây phục hồi sinh trưởng, chống chịu tốt hơn với sâu bệnh gây hại; giảm tình trạng nứt trái, rụng trái non. Nhờ vậy, quả dừa có hình thức và chất lượng cải thiện đáng kể, tạo ra sản phẩm an toàn phù hợp với thị hiếu của thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho hay: Huyện Hoài Ân hiện có khoảng 1.650 ha dừa. Sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh vườn dừa theo hướng hữu cơ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây dừa, cho ra sản phẩm chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
TX Hoài Nhơn được mệnh danh là thủ phủ dừa của Bình Định với gần 3.000 ha dừa, chiếm 32% diện tích dừa toàn tỉnh; tổng sản lượng ước đạt 31.500 tấn/năm. Chính vì vậy, việc trồng dừa theo hướng hữu cơ tập trung sẽ tạo ra vùng nguyên liệu dồi dào cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ dừa.
Bà Nguyễn Thị Trí (phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn) áp dụng mô hình trồng dừa hữu cơ trên phần diện tích 500 m2 được vài năm nay, dừa phát triển tốt, cho trái rất sai, mỗi năm thu hoạch hơn 2.500 quả.
Theo bà Trí, từ khi dùng phân chuồng, mụn dừa kết hợp phân hữu cơ sinh học để bón, tưới nước đều đặn thì trái sai hơn. Trước đây, thương lái thu mua với giá 5.000 đồng/quả tại vườn thì nay dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/quả tùy thời điểm, hiệu quả kinh tế cải thiện đáng kể.
Đến nay, toàn tỉnh đã có nhiều vùng sản xuất dừa tập trung với quy mô lớn, phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh như các huyện Hoài Ân, Phù Cát và TX Hoài Nhơn. Với việc thay đổi phương thức canh tác, chuyển sang trồng dừa theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, từng bước làm hồi sinh, phát triển bền vững, giúp tăng năng suất, nâng cao giá trị kinh tế từ cây dừa. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
THÀNH NGUYÊN