Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:
Vì sao pháo binh Quân đội ta đập tan pháo binh đế quốc Pháp?
Trận Điện Biên Phủ năm 1954 là trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta với thực dân Pháp xâm lược. Đây cũng là trận đương đầu, đọ sức, đấu trí quyết liệt của lực lượng pháo binh hai bên.
Chiến tranh thời cận đại ở châu Âu đã “phát minh” ra ông “Vua chiến trường” là lực lượng pháo binh. Nước Pháp chính là cái nôi của chiến thuật chiến đấu của pháo binh hiện đại, với tên gọi là chiến thuật “khẩu đội tập trung” do Hoàng đế Napoleon sáng tạo ra, với nhận định nổi tiếng: “Chúa đứng về cùng phía với phe chiến đấu bằng loại pháo tốt nhất”. Từ trận chiến đầu tiên ông tham gia với tư cách là chỉ huy pháo binh của quân đội Cộng hòa vây hãm thành Toulon đến các chiến dịch suốt đời binh nghiệp, Napoleon đã sử dụng đội hình, chiến thuật chiến đấu tiên tiến và sức mạnh pháo binh để giành chiến thắng trong hầu hết các trận chiến do ông chỉ huy.
Quân đội Pháp từ đó đã trở thành một trong những đội quân hùng mạnh, có sức chiến đấu ưu việt, tung hoành khắp châu Âu trong một thời gian dài. Chiến thuật chiến đấu của pháo binh Pháp là một trong những yếu tố then chốt, quyết định cho sức mạnh quân sự của nước Pháp, có ảnh hưởng lớn đến tổ chức của pháo binh hiện đại.
Kéo pháo, tất cả cho Điện Biên Phủ. (Ảnh: tư liệu)
Vì sao lực lượng pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam giành chiến thắng áp đảo trong trận Điện Biên Phủ?
Qua nghiên cứu các tài liệu, bài viết của các chuyên gia quân sự, tác giả trình bày một số nguyên nhân sau:
· Lực lượng áp đảo về số lượng: Lực lượng pháo binh của ta là lực lượng mới được tổ chức, huấn luyện và trực tiếp tham gia chiến đấu trong một số chiến dịch. Kinh nghiệm chiến đấu, trình độ tác chiến trên chiến trường so sánh giữa ta và địch, rõ ràng lực lượng pháo binh của ta thua kém nhiều so với pháo binh đội quân nhà nghề của nước Pháp.
Lực lượng pháo binh của ta ở Điện Biên Phủ có 1 trung đoàn sơn pháo 75 ly, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105 ly, 4 đại đội súng cối 120 ly, 1 trung đoàn cao xạ pháo 37 ly. Về lực lượng pháo yểm hộ trực tiếp cho bộ binh, ta hơn địch ít nhiều về số lượng (64/48 khẩu), nhưng đạn pháo dự trữ của ta rất hạn chế. Ta hoàn toàn không có xe tăng và chỉ có 1 trung đoàn cao xạ 37 ly để đối phó với toàn bộ không quân địch.
Lực lượng pháo binh của địch ở Điện Biên Phủ gồm 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, 2 tiểu đoàn súng cối 120 ly, 1 đại đội pháo 155 ly, 1 đại đội 10 chiếc xe tăng 18 tấn. Lực lượng không quân thường trực tại sân bay Mường Thanh có 7 khu trục, 5 trinh sát, 4 máy bay vận tải và 1 trực thăng.
Khi mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo binh ta được huy động với mức cao nhất và đặc biệt làm quân Pháp hết sức bất ngờ khi ta đưa lựu pháo 105mm tham gia chiến đấu. Trong Chiến dịch này, chúng ta đã huy động 100% lựu pháo, hơn 70% sơn pháo 75mm và 80% súng cối 120 của toàn quân. Đồng thời ta đã đưa vào sử dụng những loại pháo mới có tầm bắn xa, uy lực lớn như hỏa tiễn H6 (hỏa tiễn 6 nòng, còn có tên gọi là Ka-chiu-sa). Trong từng trận đánh cụ thể, chúng ta đã tập trung ưu thế pháo binh gấp từ 2-4 lần pháo binh địch.
Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)
Do huy động tối đa pháo binh nên ta giành được lợi thế so với địch: Ưu thế lực lượng pháo binh chiến dịch là ta 2,1, địch 1; ưu thế lực lượng trên hướng chủ yếu chiến dịch là ta 2,3, địch 1; ưu thế lực lượng trong chiến đấu là ta 3, địch 1 (tỷ lệ trên tính theo số lượng, chưa tính hệ số chất lượng).
· Hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung: Một trong những thành công nổi bật về nghệ thuật bố trí đội hình chiến đấu pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là các trận địa được bố trí phân tán, giãn rộng, giãn cách giữa các đại đội là từ 3 - 5km nhưng tập trung được hỏa lực vào hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu. Trung đoàn 45 lựu pháo 105mm được bố trí tạo thành một vòng cung hơn 30km bao quanh tập đoàn cứ điểm. Cự ly các trận địa pháo đến Trung tâm Mường Thanh từ 6 - 8km, nằm gọn trong tầm bắn hiệu quả của pháo binh ta.
Hệ thống trận địa pháo được triển khai bố trí từ Đông Bắc Hồng Cúm đến Tây Bắc cứ điểm Độc Lập, hình thành thế trận vòng tròn gần khép kín tập đoàn cứ điểm của địch. Các trận địa pháo cách nhau hơn 5 km, kéo dài đội hình trên 30km. Đặc biệt, pháo cơ giới bảo đảm có thể tập trung hỏa lực tới 80% cho một mục tiêu. Các loại pháo bắn ngắm trực tiếp bố trí trên các núi cao, bảo đảm cự ly và xạ giới bắn có lợi nhất. Lựu pháo 105 ly bố trí có cự ly bắn trung bình từ 3 - 8km, sơn pháo và súng cối có cự ly bắn trung bình từ 300 - 500m. Nói chung các loại pháo, súng cối bố trí bảo đảm cự ly bắn có hiệu quả nhất.
Đặc biệt, trong Chiến dịch, ta đã sáng tạo đưa lựu pháo 105mm “lên cao, vào gần, bắn thẳng”, phát huy uy lực lớn của đạn pháo, khiến quân thù khiếp sợ và nhanh chóng tan rã, sụp đổ.
· Ngụy trang, nghi binh: Cùng với đó, nghệ thuật bảo vệ pháo, ngụy trang, nghi binh cũng được sử dụng triệt để, chính vì vậy mà quân Pháp hoàn toàn bất lực trong việc phản pháo.
Hệ thống hầm của trận địa pháo được xây dựng kiên cố, với 3m đất đắp bên trên, bảo vệ an toàn cho pháo và pháo thủ của ta trước phản pháo và ném bom của địch. Các trận địa pháo giả cũng được dựng lên, khi pháo ta bắn, các trận địa giả cũng tiến hành đánh thuốc nổ, tạo chớp lửa đầu nòng, khiến cho pháo binh Pháp không thể tìm ra được trận địa pháo của ta. Kết quả là có đến 80% phản pháo của địch đều đánh vào trận địa giả của ta. Pháo binh nhà nghề của Pháp đã bất lực trước chiến thuật ngụy trang, nghi binh tài tình, sáng tạo của bộ đội pháo binh ta.
“Vua chiến trường” - lực lượng pháo binh, với chiến thuật chiến đấu do người Pháp sáng tạo ra, rèn luyện qua hàng trăm cuộc chiến lớn nhỏ hàng trăm năm qua, đã bất ngờ thất bại thảm hại trước pháo binh non trẻ của Việt Minh.
Có thể thấy rằng nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng pháo binh (“khẩu đội tập trung”) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ không đơn thuần ở số lượng hơn quân Pháp mà là nghệ thuật tạo ưu thế về sức mạnh tổng hợp bao gồm: Sử dụng kết hợp giữa số lượng với chất lượng chiến đấu cao; giữa pháo cơ giới và pháo khiêng vác; giữa lực lượng mạnh với thế trận táo bạo, hiểm hóc, bất ngờ; nghệ thuật nghi binh, ngụy trang; giữa yếu tố địa hình với sự nỗ lực chủ quan vượt bậc của các lực lượng tham gia chiến dịch.
Đây chính là nguyên nhân giúp lực lượng pháo binh non trẻ của chúng ta đã chiến thắng áp đảo đội quân pháo binh nhà nghề của đế quốc Pháp, là một trong những nguyên nhân quan trọng, then chốt để quân ta giành thắng lợi cuối cùng trước trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
ThS TRẦN HOÀI SƠN (Trường Chính trị tỉnh Bình Định)