Hội nghị lấy ý kiến các dự thảo Nghị định thi hành Luật Đất đai năm 2024
(BĐ) - Sáng 8.5, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với các dự thảo Nghị định thi hành Luật Đất đai năm 2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và địa phương, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì. Tại điểm cầu Bình Định do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì.
Các đại biểu tại điểm cầu Bình Định tham gia Hội nghị. Ảnh: V.L
Tại Hội nghị, đại diện Bộ TN&MT trình bày tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và dự thảo Nghị định quy định về giá đất. Đại diện các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, hiệp hội đóng góp nhiều ý kiến liên quan tới 2 dự thảo Nghị định này.
Trong đó, tập trung phân tích, làm rõ các quy định về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; hỗ trợ ổn định đời sống khi nhà nước thu hồi đất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất. Ngoài ra, các quy định về trình tự, nội dung xác định giá đất theo phương pháp so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất; căn cứ, nội dung định giá đất cụ thể; xác định giá đất cụ thể cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, việc triển khai các văn bản dưới luật có vai trò quan trọng để đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống. Hai Nghị định đưa ra lấy ý kiến có nội dung liên quan đến nhiều chính sách quan trọng và liên quan trực tiếp đến nhiều đối tượng trong xã hội nên cần sự chính xác, minh bạch, công bằng.
Các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và phương pháp định giá đất còn nhiều ý kiến khác nhau. Các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Ban soạn thảo nghiêm túc tổng hợp, tiếp thu, sửa đổi, bổ sung để khi Nghị định chính thức ban hành mang tính khả thi, gắn với thực tiễn; thể chế hóa các chính sách đảm bảo sự nhất quán, minh bạch, công bằng.
VĂN LỰC