Cơ hội việc làm
Cách đây mấy năm, Công ty Intel Việt Nam tuyển dụng nhân sự cho nhà máy ở TP.Hồ Chí Minh thì trong số hàng ngàn kỹ sư, cử nhân trẻ nộp đơn thi tuyển số được tuyển dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù các ứng viên nộp hồ sơ tuyển dụng vào công ty này đến từ nhiều trường đại học tốp đầu trong nước nhưng lại không có các phẩm chất, năng lực và kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu.
Mới đây, thực hiện chính sách thu hút nhân tài, cuối tháng 8 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã tuyển dụng đặc cách 41 thủ khoa và những người có thành tích học tập xuất sắc. Những người này không qua thi tuyển công chức nhưng vẫn phải trải qua kỳ sát hạch bằng bài viết và phỏng vấn trực tiếp. Kết quả sát hạch là 10/41 ứng viên (tức gần 1/4) thuộc hàng gạo trên sàng này đã… bị trượt. Trong kỳ tuyển dụng ở năm trước cũng đã có 9/43 thủ khoa diện tuyển dụng đặc cách không qua được kỳ sát hạch tương tự.
Hiện nay thị trường lao động trong nước đã mở rộng hơn, với nhiều kênh tuyển dụng, nhiều vị trí làm việc cho những người mới ra trường. Đơn cử, theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2020, nhu cầu nhân lực của thành phố này mỗi năm khoảng 250 ngàn - 270 ngàn chỗ làm việc trống, trong đó có khoảng 130 ngàn chỗ làm việc mới. Với quy mô cả nước chắc chắn con số còn lớn hơn nhiều.
Như vậy có thể thấy, nhu cầu của thị trường lao động theo đà phát triển kinh tế - xã hội vẫn rất cao, cơ hội tìm việc làm cho người lao động là rất lớn. Tuy nhiên, thị trường lao động sẽ ngày càng khó tính và khắt khe hơn, đòi hỏi các ứng viên phải có nhiều năng lực, phẩm chất cao hơn mới đáp ứng được. Điều đó có nghĩa rằng, để có một công việc tốt, phù hợp hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của mỗi ứng viên.
Nhiều nhà tuyển dụng đã đề cập đến nguyên nhân khiến số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng nhiều trong khi các doanh nghiệp vẫn than “khát” lao động. Đó là phần lớn sinh viên mới tốt nghiệp ra trường không chỉ yếu về kiến thức chuyên môn mà còn thiếu kỹ năng thực hành, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, quản lý công việc, thời gian. Nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng sinh viên mới ra trường vì sẽ phải đào tạo lại, làm mất nhiều thời gian và gia tăng chi phí. Trong trường hợp cụ thể nêu trên, các thủ khoa và những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc bị trượt vì không đáp ứng được yêu cầu của những công chức hoạt động thực tiễn trong bộ máy nhà nước.
Câu chuyện trên đây phần nào phản ánh những tồn tại, hạn chế của ngành giáo dục-đào tạo ở nước ta trong nhiều năm qua. Đó là một nền giáo dục đại học nặng về trường quy, thi cử; ít quan tâm trang bị kỹ năng sống, kỹ năng làm việc và khả năng ứng phó, xử lý các tình huống trong thực hành chuyên môn và hoạt động xã hội. Tương tự như vậy, ở bậc phổ thông, học sinh cũng đang bị “quá tải” bởi chương trình học quá nặng nề, ôm đồm nhiều kiến thức sách vở không thực sự thiết thực, trong khi học sinh lại không được rèn luyện các kỹ năng khác rất cần thiết cho cuộc sống như kỹ năng giao tiếp, khả năng tự vệ, cách làm việc theo nhóm, tham gia các hoạt động tập thể…
Rõ ràng, nếu các hạn chế trong giáo dục, đào tạo như lâu nay không được khắc phục, để rồi dẫn đến chuyện “lỡ thầy, lỡ thợ” khiến hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ ra trường lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc đi làm công nhân lao động phổ thông thì cái viễn cảnh tương lai cho thị trường lao động trong nước khó mà sáng lên được.
Theo xu hướng phát triển chung, thị trường tuyển dụng lao động sẽ chuyển động theo hướng thực hiện các phương thức tuyển dụng công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh dựa vào phẩm chất, năng lực có thực của mỗi người. Theo đó, cơ hội tìm được việc làm của người lao động, đặc biệt là những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, sẽ nhiều hơn khi những hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng như quen biết, gửi gắm, thậm chí đút lót… không có cơ hội để tồn tại. Tuy nhiên việc có nắm bắt được cơ hội việc làm cho mình hay không còn tùy thuộc vào việc các sinh viên, cử nhân mới ra trường có những năng lực và phẩm chất gì, có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng hay không.
Hải đăng