Xử lý nghiêm hành vi bất hợp tác khi kiểm tra nồng độ cồn
Việc xử lý kiên quyết vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông của lực lượng chức năng đã làm thay đổi ý thức của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, trong quá trình làm nhiệm vụ đã phát sinh nhiều trường hợp bất hợp tác, chống đối, thậm chí hành hung cán bộ, chiến sĩ.
Theo CA tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, CA các đơn vị địa phương đã điều tra, khởi tố 3 vụ/3 đối tượng chống người thi hành công vụ; đang tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý 2 trường hợp vi phạm có hành vi chống đối khi CSGT đang thi hành nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn.
Thực trạng này cho thấy sự liều lĩnh, coi thường pháp luật của một số người sử dụng rượu, bia và chất kích thích rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đơn cử, lúc 15 giờ 35 phút ngày 29.4, Hồ Đình Phương (SN 1973, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) bị tổ công tác Đội CSGT-TT (CA huyện Tây Sơn) phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,499 mg/l khí thở. Tuy nhiên, người này cản trở không cho đưa phương tiện về cơ quan CA. Phương định dùng đá ném vào 1 chiến sĩ trong tổ công tác nhưng bị lực lượng khống chế. Không dừng lại ở đó, Phương tiếp tục xô đẩy và giật camera nghiệp vụ được gắn trên quân phục của 1 chiến sĩ CSGT rồi ném đi, làm hư hỏng thiết bị. CA huyện Tây Sơn đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm hành vi nguy hiểm của Phương theo quy định của pháp luật.
Tổ công tác Phòng CSGT (CA tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tuyến QL 19 đoạn qua địa bàn TP Quy Nhơn. Ảnh K.A
Tiếp đó, 17 giờ 20 phút ngày 1.5, tại km 3 QL 19, tổ công tác của Phòng CSGT (CA tỉnh) đã mất hơn 15 phút để hướng dẫn và yêu cầu anh H.S.H. (SN 1990, ở tỉnh Gia Lai) thực hiện đúng quy định kiểm tra nồng độ cồn. Sau khi dừng phương tiện, người này không hạ kính xuống để thực hiện việc thổi nồng độ cồn. CSGT tiếp tục ra hiệu, H. đi ra khỏi xe nhưng không chịu thổi vào máy đo. Sau khi được tổ công tác giải thích, người này thừa nhận đã uống bia nên không dám thổi.
Qua kiểm tra, ghi nhận anh H. có nồng độ cồn ở mức 0,553 mg/l khí thở. “Vì sợ bị xử phạt, khi thấy CSGT ra lệnh dừng phương tiện tôi đã rất lo lắng và tìm cách kéo dài thời gian. Bây giờ thì chẳng những xe bị tạm giữ, bị xử phạt hành chính ở mức cao mà bằng lái cũng bị tước gần 2 năm”, tài xế H. nói.
Theo Phòng CSGT (CA tỉnh), bên cạnh phần đông người tham gia giao thông chấp hành việc kiểm tra ngẫu nhiên nồng độ cồn, vẫn còn một bộ phận lợi dụng quyền giám sát, cự cãi gây cản trở, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Thượng tá Nguyễn Hồng Vang, Phó Trưởng Phòng CSGT (CA tỉnh) cho biết, các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thường có các biểu hiện như không hạ cửa kính xe ô tô xuống, không ký biên bản, lảng tránh ra chỗ khác gọi điện cho người thân quen nhờ can thiệp, bỏ lại phương tiện; thậm chí là xúc phạm, tấn công lực lượng CSGT. Với quan điểm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, việc tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm nồng độ cồn được CSGT toàn tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục trên toàn tuyến theo nhiều khung giờ linh hoạt. Bên cạnh tuyên truyền, vận động, chúng tôi kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố tình chống đối, xúc phạm hay hành hung CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn. Lực lượng cũng được trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ và các điều kiện cần thiết để tăng cường sức chiến đấu, xử lý ngay các tình huống chống người thi hành công vụ.
Được biết, trong hơn 5.200 trường hợp vi phạm nồng độ cồn do CSGT toàn tỉnh phát hiện, xử lý từ ngày 15.12.2023 đến nay, có hơn 1.200 trường hợp vi phạm ở mức trên 0,4 mg/l khí thở; hơn 120 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
KIỀU ANH