Ðánh mất tương lai
Chỉ vì men rượu và thiếu kiến thức về pháp luật, 3 sinh viên đã phải chấm dứt những ngày tháng học tập trên giảng đường để vào tù “bóc lịch”.
Ba bị cáo trước vành móng ngựa.
Sáng 26.4, tại Hội trường Trường CĐ nghề Quy Nhơn, đông đảo học sinh, sinh viên, giảng viên đã đến xem phiên tòa lưu động do TAND TP Quy Nhơn tổ chức, xét xử 3 bị cáo nguyên là sinh viên của Trường, gồm: Lê Nguyễn Quốc Nhật (SN 1995, ở thôn Cự Lễ, xã Hoài Hảo, Hoài Nhơn), Phạm Anh Dũng (SN 1994, thôn Hòa Lộc, xã KưKpô, huyện KrôngBuk, Đăk Lăk), Phạm Thân (SN 1992, ở thôn Song Khánh, xã Hoài Xuân, Hoài Nhơn). Họ mới nhập trường, học lớp trung cấp nghề khoảng hơn một tháng thì xảy ra sự việc…
Theo cáo trạng, đêm 23.11.2012, sau khi đã nhậu sương sương, Nhật rủ Thân, Dũng và Nguyễn Thanh Bình (bạn học cùng lớp) ra công viên biển đường An Dương Vương ngồi chơi. Tại đây, Nhật rủ các bạn đi xin tiền mấy cặp nam nữ để nhậu tiếp. Khi thấy một cặp nam nữ đang ngồi tâm sự ở nơi vắng vẻ, Thân đến vờ xin lửa nam thanh niên rồi sau đó cùng Dũng và Nhật xông vào đánh anh này nhiều cái. Mặc cho Bình can ngăn, cả ba vẫn tiếp tục uy hiếp, lấy được 10.000 đồng cùng chiếc điện thoại và giữ luôn xe đạp của đôi nam nữ này. Cả ba đã bị bắt ngay sau đó.
Theo hội đồng định giá, tổng giá trị tài sản bị cướp trên chỉ 1,2 triệu đồng. Nhưng theo Viện KSND TP Quy Nhơn, cả 3 đã phạm vào tội “cướp tài sản”, được quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt mỗi bị cáo 3 năm tù. Nhật là người chủ mưu trong vụ này, lẽ ra phải lãnh mức án cao hơn so với Dũng và Thân, nhưng do chưa đủ tuổi thành niên nên được giảm xuống còn 3 năm.
Ngồi ở hàng ghế thứ 3, bà Nguyễn Thị Hường (42 tuổi) mẹ của Phạm Anh Dũng hết ngước lên nhìn đứa con trai của mình đang đứng trước vành móng ngựa lại cúi xuống ôm mặt khóc. Hôm qua, một mình bà vượt gần 400km từ Đắk Lăk xuống Quy Nhơn để dự phiên tòa. Nhìn khuôn mặt hốc hác và đôi mắt sưng húp, đỏ hoe của bà, nhiều người không khỏi chạnh lòng. Bà sụt sùi: “Nó học đến lớp 10 thì nghỉ ở nhà phụ việc đồng áng, vườn rẫy. Hai năm sau, vợ chồng tôi động viên nó xuống đây học cho xong THPT, kiếm cái nghề để tương lai sau này khá hơn. Ngờ đâu…”. Rất nhiều người thân của Thân đã đến dự khán. Bà ngoại già hơn 70 tuổi cũng cố gắng đến dự để “cháu khỏi tủi thân”. Thân xuất thân trong gia đình căn bản, cha là trưởng công an thôn, nên rất chú trọng đến việc dạy dỗ con cái. Nhưng chỉ vì ham nhậu nhẹt, bị ma men dẫn lối, Thân đã làm cả gia đình phải xấu hổ.
Nhật, Thân, Dũng đều được sinh ra trong gia đình thuần nông. Cuộc sống kinh tế khó khăn nhưng cha mẹ họ vẫn gom góp tiền cho con ăn học với mong muốn con mình có được tương lai tốt hơn. Nhưng họ đã phụ lòng mong mỏi của mẹ cha; đã vậy, còn làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an ở địa phương, đến nhiều người khác và cả nhà trường.
Hy vọng, đây sẽ là bài học với những học sinh, sinh viên sa đà nhậu nhẹt, đua đòi, đánh mất tương lai.
XUÂN NINH