An Lão vào mùa săn mật ong rừng
Từ đầu tháng 3 âm lịch đến nay, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao huyện An Lão rủ nhau vào rừng “săn” mật ong bán cho thương lái. Mỗi lít mật ong được bán tại chỗ với giá 500 - 600 nghìn đồng, mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con nơi đây.
Theo những người “săn” mật ong, ong rừng ở An Lão có nhiều loại. Trong đó, loại ong ruồi làm tổ trên cành cây nhỏ cho mật chất lượng tốt nhất, kế đến là loại ong bọng làm tổ trong bọng cây, ụ mối, khe đá, sau cùng là loại ong thế làm tổ trên cây cao, tổ lớn, mật nhiều, có vị hơi chua.
Nhóm thợ săn mật ong rừng của anh Đinh Văn Thôi phấn khởi với thành quả sau một ngày đi săn ong. Ảnh: D.T.D
Mấy năm gần đây, trên địa bàn các xã An Toàn, An Vinh, An Dũng, An Trung…, ong rừng xuất hiện nhiều, mỗi mùa kéo dài từ tháng 3 cho đến hết tháng 6 âm lịch. Những người có kinh nghiệm cho rằng, sở dĩ năm nay ong rừng nhiều về số lượng, cho mật hơn mọi năm là vì năm vừa rồi không có bão lớn; người dân đã trồng lại diện tích rừng keo, bạch đàn nên ong có chỗ làm tổ. Thời tiết thuận lợi, cây rừng ra hoa nhiều và thường xuyên nên ong cho nhiều mật.
Anh Đinh Văn Thôi, ở thôn 2, xã An Toàn, một thợ lấy mật ong chuyên nghiệp, cho biết: Mấy năm trước đến mùa, mỗi người cũng chỉ lấy được vài tổ, đủ mật để dùng, nếu có dư thì cũng chỉ bán 1 - 2 lít. Nhưng vài năm trở lại đây, ong xuất hiện nhiều hơn. Chỉ riêng ở xã An Toàn có mấy chục người lập thành từng nhóm riêng, mang nước dỡ cơm đi vào những khu rừng xa tìm mật ong.
Những người chuyên lấy mật ong rừng như anh Thôi luôn tâm niệm hai điều: Giữ rừng và nuôi mật. Vì thế, trong quá trình lấy mật, mỗi khi châm lửa đốt khói, các anh luôn dập lửa, đợi tắt hẳn khói rồi mới rời đi. “Người đi lấy mật ong rừng, sống nhờ “lộc rừng” thì càng phải có lương tâm, trách nhiệm và nguyên tắc hành nghề. Khai thác mật nhưng không tận diệt đàn ong, bởi tận thu gây ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái cũng chính là tận diệt nguồn sống của chính mình”, anh Thôi thổ lộ.
DIỆP THỊ DIỆU